Logistics Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển logistics giúp doanh nghiệp VN giải quyết bài toán đầu vào và đầu ra một cách hiệu quả

Ngày 27/11, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã phối hợp với Công ty truyền thông Logistics Việt Nam và Tạp chí Logistics Review tổ chức hội nghị giao thương logistics quốc tế với chủ đề "Logistics Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2015".

 
 Phát triển logistics giúp doanh nghiệp VN giải quyết bài toán đầu vào và đầu ra một cách hiệu quả
Kinhtedothi - Phát triển logistics giúp doanh nghiệp VN giải quyết bài toán đầu vào và đầu ra một cách hiệu quả
Hội nghị có sự tham dự của các Hiệp hội Logistics đến từ 10 quốc gia trong khu vực ASEAN như: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào... cùng hơn 150 doanh nghiệp trong ngành logistics trong nước và khu vực là các chủ hàng, các công ty sản xuất, xuất nhập khẩu; các công ty logistics, công ty giao nhận, doanh nghiệp vận tải; các hãng hàng không, hãng tàu, cảng biển; các công ty giám định, công ty tư vấn… 

Hội nghị lần này là một diễn đàn thương mại về ngành dịch vụ logistics được tổ chức quy mô nhằm giúp cho các công ty cung cấp các dịch vụ hiểu thêm về tình hình phát triển của logistics tại Việt Nam. Các đối tác trong và ngoài nước được gặp gỡ và trao đổi thông tin cho nhau để từ đó xây dựng và phát triển ngành dịch vụ này xứng tầm các nước trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung.

 Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Xuân Quang - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã chỉ ra bốn nội dung quan trọng của Cộng đồng kinh tế ASEAN là: Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao; một khu vực phát triển kinh tế bình đẳng; một khu vực hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu. “Nói một cách khác, AEC sẽ biến ASEAN thành một khu vực tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề, và tự do di chuyển dòng vốn”, ông Quang khẳng định.

Theo số liệu của Bộ Công thương, Việt Nam có hơn 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ logistics, tập trung chủ yếu tại khu vực TP.HCM và Hà Nội. Trong đó, khoảng 900 doanh nghiệp (chiếm hơn 70% tổng số các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics) là các đại lý vận tải nội địa với quy mô vừa và nhỏ nhưng chỉ giành được 20% thị phần của ngành. 30% các doanh nghiệp logistics đa quốc gia còn lại đang chi phối tới 80% thị phần. Cuộc cạnh tranh sẽ thêm phần khốc liệt khi Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do vào cuối năm nay như cộng đồng kinh tế chung AEC, TPP, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam…

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhấn mạnh: "Việc thực hiện AEC cũng như các hiệp định FTA và TPP sẽ tạo cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam những cơ hội trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, thị trường hàng hóa cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính vì vậy, phát triển dịch vụ logistics là một nhu cầu cấp bách được đặt ra đối với Việt Nam, đặc biệt khi nước ta đang trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu".