Lợi cả đôi đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Dân - chuyên gia về đầu tư tài chính cho rằng, bảo lãnh ngân hàng có thể coi là một giải pháp nhằm tiếp tục "giải vây" cho các dự án đã bị "đóng băng" lâu nay.

Lợi cả đôi đường - Ảnh 1Theo đó, với chủ đầu tư đã xây xong hoặc gần xong các cao ốc, chung cư lâu nay không tiêu thụ được, họ sẽ dễ dàng được bảo lãnh vì tài sản đã hình thành nên việc làm bảo lãnh thuận lợi hơn. Mặt khác, đa số là nợ vay ngân hàng nên việc chuyển thành bảo lãnh và đảm bảo nợ vay trở nên dễ dàng vì cũng vốn đó nay có điều kiện để thanh khoản. Người mua sẽ tập trung mua các căn hộ đã có bảo lãnh ngân hàng. Chủ đầu tư chỉ cần hạ giá chút ít để hợp lý bán là khả năng sẽ bán được hàng.

Với ngân hàng, việc bảo lãnh sẽ tạo điều kiện giải quyết nợ xấu tồn đọng từ lâu nay. Bởi vì, ngân hàng chỉ cần "làm một động tác nhỏ" là chuyển từ nợ xấu, nợ quá hạn sang nợ vay mới trên cơ sở thỏa thuận hợp tác bảo lãnh theo đúng quy định, coi như ngân hàng mua trước số căn hộ tồn đọng bằng bảo lãnh. Theo đó, ngân hàng sẽ bảo đảm vốn xây dựng cho chủ đầu tư. Và thật sự là người mua phải trả thêm khoản tiền bảo lãnh này, cho dù nhà đầu tư cam kết không cộng phí bảo lãnh thì phí cũng đã nằm trong khoản lẽ ra phải giảm giá hợp lý mà người mua nhà đáng được hưởng.

Với những nhà đầu tư dự án mới, DN vừa và nhỏ sẽ vô cùng khó khăn để được bảo lãnh vì không phải đơn vị nào cũng có đủ tài sản (ký quỹ hoặc thế chấp) có giá trị để được ngân hàng bảo lãnh. Nguy cơ "cá lớn nuốt cá bé" có thể xảy ra. Theo đó, những nhà đầu tư nhỏ, hy vọng được người mua góp vốn trong quá trình xây dựng sẽ không thực hiện được dự án bởi "rào cản" bảo lãnh này và phải bán lại dự án cho các "ông lớn" lắm tiền nhiều của.