Lối đi cho startup trong bối cảnh kinh tế thời đại dịch

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 500 diễn giả, doanh nghiệp, độc giả trong và ngoài nước đã tham dự Hội thảo “Một đời như kẻ tìm đường” trên nền tảng online. Tại sự kiện, các doanh nhân Việt Nam đang sống ở nhiều vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới cùng chia sẻ nội dung chính: Khởi nghiệp (startup) hay không startup? Startup thế nào để thành công?...

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, dễ dàng nhận thấy nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp và người lao động đang gặp phải. Khi các doanh nghiệp lao đao, người lao động gặp khó khăn về thu nhập và nguy cơ thất nghiệp, thị trường biến động không ngừng thì với nhiều người, mỗi thách thức lại luôn đi cùng với cơ hội. Trong khi nhiều người rơi vào “thế yếu” thì họ vươn lên, tận dụng thời cơ để đổi mới, sáng tạo và trở nên mạnh mẽ...
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm tại sự kiện
Tại hội thảo, GS Phan Văn Trường - Cố vấn Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, người sáng lập Hệ sinh thái Cấy Nền đã có những chia sẻ vô cùng tâm huyết về vấn đề startup: “Đa số các em đều hiểu sai về startup. Đừng startup nếu chỉ muốn giàu, hãy startup khi chúng ta đủ đau đáu một giá trị mang đến cho xã hội. Cuộc sống con người có quá nhiều nhu cầu để các em startup, đó là đầu vào. Còn đầu ra chính là: Sản phẩm đó màu gì? Giá nào? Sử dụng ra sao? Dành cho đối tượng nào?… Mỗi năm đầu ra lại thay đổi – chính là mảnh đất cho startup mọc lên”.
GS Phan Văn Trường cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp. Ông cho biết, ở Pháp và nhiều nước phương Tây, hệ sinh thái startup hoạt động rất đáng để Việt Nam học hỏi. Ở đó, startup được chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ từ tài chính lẫn kinh nghiệm đến khi thành công. Sau đó startup chia sẻ một phần tài chính để có quỹ tiếp tục hỗ trợ các startup mới.
“Hệ sinh thái của Việt Nam cần có “cơ chế hành chính và cơ chế tài chính”. Hệ sinh thái phải là sự giúp đỡ, là khi có một giá trị thì tất cả hùn vào giúp cho giá trị nó cao hơn, đẹp hơn, rẻ hơn… Hệ sinh thái phải là bình đẳng, mọi người đều như nhau. Chúng ta quên đi nhiều - ít, quên lớn - bé, quên chức tước đi… phải trao cho nhau sự hồn nhiên – để tạo nên sự phản biện -  tạo nên tốc độ” - GS Phan Văn Trường chia sẻ. 
Hoàn thiện sản phẩm trong nhà máy tại Vườn ươm công nghệ thực phẩm Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên
Thực tế cho thấy, những thành công trong startup chưa hướng về lợi ích cho thị trường Việt Nam, tức bỏ bỏ bê thị trường nội địa, mà hiện thời rất nhiều lĩnh vực nghề nghiệp, làm việc của đất nước đều hướng về xuất khẩu, bất chấp nhu cầu của thị trường nội địa. Điều đó sẽ tạo ra bất lợi cho doanh nghiệp Việt ngay chính trên sân nhà khi không tạo chuỗi liên kết.
Bàn về vai trò của hệ sinh thái khởi nghiệp, Trưởng Làng Sinh viên & Tuổi trẻ Khởi nghiệp (STK) Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc NovaEdu nhận định, giá trị cộng hưởng sẽ to hơn gấp nhiều lần giá trị sẵn có. Đứng trước sự biến đổi của nền kinh tế thị trường, chúng ta phải rất coi trọng đầu ra – trên nhu cầu xã hội. Nếu chúng ta chỉ startup với những gì mình giỏi mà không để tâm đến nhu cầu thị trường sẽ rất dễ rơi vào “hố đen thất bại”.
Trong khi đó, đại diện cho Cấy nền Radio - CEO Carafoods Nguyễn Thu Hồng chia sẻ về mô hình “Kinh tế tuần hoàn”. Điểm nhấn là tài nguyên thiên nhiên đất nước là “nội lực” trời cho mà nhiều cá nhân, doanh nghiệp đang khai thác một cách “ngược đãi”. Mô hình của bà là tôn trọng và tái tạo thiên nhiên. Mô hình định hướng các startup một hướng đi mới hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
Rõ ràng, doanh nghiệp duy trì, trụ vững trong cơn lốc của đại dịch đã khó, sự khó khăn càng đến với các startup trong lúc này. Muốn vậy, bản thân mỗi startup càng phải tìm chiến lược thích ứng, và vai trò đầu tàu của các tập đoàn lớn mới khẳng định được giá trị tạo chuỗi liên kết để vùng phát triển. Trong đó, chú trọng đến sự phát triển bền vững, thân thiện môi trường...
Chia sẻ về các khó khăn trong quá trình startup, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải cho hay, startup cần đi từng bước, nỗ lực rất lớn, phải xác định được đích đến, có thể mất rất nhiều thời gian nhưng nó là đích để ta hướng tới. Về quá trình thành lập doanh nghiệp, Hòa Bình từ thời kỳ còn lạc hậu, ông đã phải cần cù học hỏi rất nhiều. Con đường ông đi chưa có tính đột phá về sáng tạo nên phải tiếp thu – học hỏi từ rất nhiều nguồn khác nhau để đưa những kiến thức hay nhất vào trong doanh nghiệp.
Với ông, không bao giờ có kế hoạch kinh doanh ban đầu hoàn hảo, nhưng rất cần thiết có 1 kế hoạch kinh doanh khả thi để chúng ta giảm bớt rủi ro, hãy nhìn đích xa để không bao giờ đi chệch con đường của mình. Muốn có khát vọng lớn phải nhắm đến thị trường của toàn cầu, nếu chỉ nhắm tới thị trường quốc gia mình thì mãi mãi mình chỉ là một doanh nghiệp nhỏ.
Cũng tại hội thảo, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường & Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) Phạm Hồng Quất đã chia sẻ về mục tiêu của đề án Đề án 844 với mong muốn sẽ tạo ra nền “trí tuệ mở”. Đồng thời đánh giá cao các hoạt động tác động đến cộng đồng trẻ startup của STK và cam kết đồng hành cùng STK lâu dài.
Chương trình Hội thảo “Một đời như kẻ tìm đường” là sự kết hợp của Cục Phát triển Thị trường & Doanh nghiệp - Khoa học & Công nghệ (NATEC), Văn phòng Đề án 844, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (NSSC), Cấy Nền Radio; Công ty CP Công nghệ Giáo dục Nova và Làng Sinh viên & Tuổi trẻ Khởi nghiệp (STK) trong khuôn khổ TECHFEST nhằm thúc đẩy startup đổi mới sáng tạo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần