Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lợi dụng “giải cứu” bán hàng giá cao, người tiêu dùng cẩn thận

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau tôm hùm, dứa hấu, thanh long…nhiều tiểu thương lợi dụng gắn mác “giải cứu” vào các sản phẩm như: trứng cút, bưởi, ngao, hàu đại dương…để bán với giá cao hòng trục lợi.

Trước tình hình dịch Covid-19 lan rộng, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như dưa hấu, thanh long…bì rợt giá thê thảm vì không thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Để giúp người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, nhiều nơi trên cả nước phát động phong trào “giải cứu” dưa hấu, “giải cứu” thanh long... Lợi dụng sức ảnh hưởng to lớn của các hoạt động “giải cứu” nói trên, một số tiểu thương cố tình gắn mắc “giải cứu” vào một số mặt hàng. Thứ nhất, việc gắn mác này giúp tiêu thụ số hàng hoá lớn trong thời gian ngắn, thứ hai là đẩy giá bán lên cao thu lợi nhiều.
 Rao bán ngao hai cùi "giải cứu" với giá 60.000 đồng/kg, trong khi tại chợ loại ngao hai cùi này chỉ có giá 40.000 đồng/kg
Ghi nhận tại một số trang bán hàng online cho thấy, rất nhiều bài đăng bán “giải cứu” ngao hai cùi với giá 90.000 đồng/kg, 175.000 đồng/2kg.
“Thời gian này, ngao hai cùi gần như không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, số lượng hàng tồn cứ thế tăng lên. Buộc chúng tôi phải kêu gọi trên facebook nhờ mọi người mua giúp”, chị Thảo (chuyên bán hàng online) cho biết.
Cũng theo chỉ Thảo, nhờ việc liên tục đăng bài kêu gọi “giải cứu” mà chị bán được rất nhiều hàng. Trung bình một ngày chị Thảo bán được từ 100kg ngao hai cùi.
“Thấy hàng “giải cứu” là mọi người nhào vào ủng hộ, chưa tới 1 tuần tôi đã bán được gần nữa tấn ngao hai cùi. Tôi thật sự rất biết ơn tình cảm ủng hộ của các chị em nội trợ trên cả nước, có những người ở rất xa cũng chấp nhận chịu phí ship cao mua ủng hộ”, chị Thảo chia sẻ.
Tương tự, cũng với cách treo biển “giải cứu” hàu đại dương, anh Khải (kinh doanh cửa hàng hải sản trên đường Phạm Hùng, quận 8, TP Hồ Chí Minh) cho biết, hàu đại dương loại con to đang được cửa hàng anh Khải bán với giá “giải cứu” 45.000/kg.
“Nếu không tính bỏ sỉ, trung bình một ngày tôi bán ra khoảng 50kg hàu đại dương. Sức tiêu thụ như hiện nay là đang gấp 2, 3 lần những ngày trước đó. Chỉ mong sao bà con tiếp tục ủng hộ, tôi vẫn giữ giá 45.000/kg không tăng”, anh Khải nói.
Ghi nhận sáng nay (27/2), tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các thương lái rao bán trứng cút, bưởi…dưới danh nghĩa hàng “giải cứu”.
“Thời buổi dịch bệnh, hàng hoá cái gì cũng ế ẩm, tại sao chỉ có dưa hấu, thanh long là được “giải cứu”, còn những mặt hàng khác thì sao, phải công bằng chứ. Trong khi bưởi cũng ế đầy ra không thấy ai cứu với giúp gì cả. Thương lái chúng tôi phải rao bán hàng “giải cứu” điều này không có gì sai. Chẳng qua, chúng tôi chỉ là đang tự cứu mình thôi, ai nhanh tay thì bán được hàng, đó là quy luật của kinh doanh”, chị Trang, một thương lái bán trái cây tại chợ (quận 6, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ quan điểm.
 Cùng với ngao hai cùi, hàu đại dương, trứng cút,...tôm hùm cũng được rao bán đầy trên mạng bằng mác 'giải cứu' nhưng giá lại 'trên trời'.
Đồng quan điểm, chị Hân, một chủ trại nuôi cút ở Long An chia sẻ, trứng cút do gia đình chị sản xuất không xuất đi Trung Quốc được, trong khi lượng tiêu thụ trong nước hạn chế, số lượng hàng tồn kho tăng. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, chị Hân và các bạn hàng đồng loạt kêu gọi người mua “giải cứu” trứng cút với giá 30.000 đồng/100 trứng.
“May mắn, chỉ sau vài ngày kêu gọi “giải cứu” toàn bộ trứng cút tồn kho đã bán sạch. Hiện tại, tôi đang cân nhắc đến việc tạm ngưng đóng cửa trại chim cút chờ qua dịch rồi tính tiếp”, chị Hân nói.
Tuy nhiên, mặc dù được gắn mác giải cứu và quảng cáo là hàng xuất khẩu nhưng giá bán và chất lượng hàng bán ra không như quảng cáo. Thậm chí, giá một số mặt hàng còn cao hơn so với bình thường.
“Thực tế, hàu bán tại các vựa chỉ có giá 40.000 đồng/kg, ngao hai cùi cũng chỉ 50.000 - 80.000 đồng cho hàng loại 3 (size trên 30 con). Riêng với trứng cút ở chợ TP Hồ Chí Minh đang bán với giá 1.000 đồng/4 trứng. Như vậy với giá 30.000 đồng tôi có thể mua được 120 trứng”, chị Nguyệt (quận 10, TP Hồ Chí Minh) phân tích.
Cũng theo chị Nguyệt, sau vài lần mua hàng “giải cứu” trên mạng, chị đã tự rút ra bài học và quyết không mua hàng theo kiểu “giải cứu” nữa.
“Không những bán giá đắt, chất lượng sản phẩm của mặt hàng gắn mác "giải cứu" cũng cần phải xem lại. Quảng cáo là hàng "siêu to, khổng lồ" nhưng khi giao khách chỉ nhận được loại có kích cỡ nhỏ, thịt hải sản mỏng teo lại vì đã để nhiều ngày. Với trứng cút thì luộc lên đa phần bị vỡ. Tôi không đánh đồng tất cả người bán, nhưng theo tôi người mua phải lựa chọn cẩn thận khi quyết định mua hàng “giải cứu” vì chưa chắc giúp được người khác mà lại ôm cục tức vào người”, chị Nguyệt cho biết thêm.
Chia sẻ với PV, chú Tâm, chủ cửa hàng hải sản ở Gò Vấp cho rằng, hàu sữa, ngao hai cùi là mặt hàng số lượng có hạn không nhiều như các loại thủy hải sản hay nông sản khác nên không có viêc hàng ùn ứ cần giải cứu. Hiện, giá các sản phẩm mà nhiều đơn vị rao bán còn cao hơn cả tại nhiều cửa hàng. Do đó, khách mua cần cẩn thận và xem xét kỹ trước khi đặt mua.
Trước đó, liên quan đến việc “giải cứu” tôm hùm với giá từ 500.000 – 800.000 đồng/kg, Chú Bình, chủ một vựa hải sản tại TP Hồ Chí Minh đã đưa ra cảnh báo với người tiêu dùng. Theo đó, chú Bình cho biết, thực tế tôm hùm không cần “giải cứu”, chỉ là đang vào mùa nên giá rẻ hơn vài chục đến 100.000 đồng/kg.
“Mua nhầm chứ làm gì có bán nhầm, tôm hùm chết ngộp, chỉ có giá 250.000 đồng/kg. Chỉ cần gắn mác “giải cứu” đã bán được với giá 500.000 – 800.000 đồng/kg, vậy là người bán lãi lớn rồi”, chú Bình nhấn mạnh.