Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lời giải cho bài toán khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng giao thông đô thị ngày càng “ì ạch” do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và dân số tăng quá nhanh. Sự quá tải đã gây nên ùn tắc giao thông (UTGT) khu vực nội đô và các cửa ngõ dẫn vào TP.

Nhận định vấn đề UTGT nội thành Hà Nội, nhiều chuyên gia đô thị cho rằng đây là “bài toán khó” nhưng không hẳn là không có lời giải khả thi.

Giảm nhưng… chưa triệt để

Câu chuyện UTGT là nỗi lo, ám ảnh thường trực của những người dân đang sống ở Hà Nội nói riêng và các TP lớn nói chung. Bụi bặm, khói và mùi xăng xộc lên khi tắc đường khiến cho người dân bức xúc nhất. Từ khi Hà Nội được mở rộng vào tháng 8/2008 đến nay, diện tích đất tăng lên, dân số cũng tăng theo (đặc biệt là dân số cơ học), dân số từ các tỉnh lân cận vào địa bàn Hà Nội làm ăn sinh sống gia tăng (nhất là trong nội đô) kéo theo lượng người, các phương tiện tham gia giao thông quá đông, trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông của Hà Nội chưa theo kịp với sự phát triển, do đó vấn đề UTGT và tai nạn là điều không thể tránh khỏi.

Trước đây, TP và ngành giao thông đã đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp và các ý tưởng để làm giảm UTGT và tai nạn như biển số chẵn đi vào ngày chẵn, biển số lẻ đi vào ngày lẻ, đi xe mô tô phải chính chủ… đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATGT nên tình trạng UTGT nghiêm trọng tại một số nút giao đã có chuyển biến.
Lực lượng cảnh sát trật tự kết hợp cùng cảnh sát giao thông điều tiết trên phố Nguyễn Chí Thanh trong giờ cao điểm. 	Ảnh: Phạm Hùng
Lực lượng cảnh sát trật tự kết hợp cùng cảnh sát giao thông điều tiết trên phố Nguyễn Chí Thanh trong giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Hùng
Theo số liệu thống kê, trong các năm qua TP đã giảm 40% số vụ ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên, thực tế UTGT dù đã giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí nhưng vẫn ở mức cao: Cơ sở hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, quy hoạch còn nhiều yếu kém, bất cập. Hệ thống giao thông tĩnh còn thiếu, nhiều cơ chế, chính sách chưa kịp sửa đổi, chưa có cơ chế chính sách đủ hấp dẫn nhằm khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng điểm, bãi đỗ xe. Rõ ràng, những biện pháp chúng ta thực hiện thời gian qua dù đã giảm UTGT và TNGT nhưng không triệt để, chưa đưa ra được giải pháp căn bản mang tính định hướng lâu dài, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp Nhân dân.

Việc giải quyết tình trạng UTGT và TNGT phụ thuộc rất nhiều vào việc hoạch định và xây dựng một kế hoạch thực hiện phù hợp. Để thực hiện các mục tiêu đề ra, cần có sự đầu tư nhiều hơn trong lĩnh vực tham mưu tư vấn, lập quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách và đề xuất giải pháp thực hiện. Cần công khai rộng rãi quy hoạch cũng như các giải pháp để mọi người dân biết và ủng hộ vì các mục tiêu, lợi ích chung.

UTGT là vấn đề nóng bỏng của cả xã hội không cho phép chúng ta thử nghiệm hay lần tìm các giải pháp mà cần có ngay giải pháp thiết thực nhằm đúng bản chất của vấn đề. Dù có khó khăn hay tốn kém trước mắt nhưng là vấn đề sinh tử từ TNGT, cản trở đến nhịp sống của xã hội do UTGT chúng ta phải thực hiện cho bằng được.

Cần chế tài thiết thực

Giải pháp nào để giải bài toán UTGT ở nội thành Hà Nội chính là sự mong mỏi, quan tâm hàng đầu của người dân. Tất nhiên, muốn giải quyết tận gốc được UTGT cần phải nắm bắt nguyên nhân cốt lõi này từ đâu mà ra? Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguyên nhân căn bản vẫn do ý thức người tham gia giao thông ở Việt Nam quá kém.

Trước tình trạng này, TP cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ và Chỉ thị 01/CT- UBND về thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” đến tất cả tầng lớp Nhân dân, xác định mỗi người dân Thủ đô là một tuyên truyền viên để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của người tham gia giao thông đặc biệt là vào thời điểm ùn tắc. Vấn đề này là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội, vì vậy tất cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở phải cùng vào cuộc. Trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành nghiêm các quy định về Luật Giao thông đường bộ, đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân thực hiện.

Về các lực lượng chức năng, trong đó gồm CSGT, CSCĐ, công an phường, trật tự viên, tình nguyện viên… cần tiếp tục triển khai hiệu quả Mệnh lệnh 01 của Giám đốc Công an TP Hà Nội về việc tăng cường lực lượng CSCĐ tham gia điều tiết, phân luồng giao thông tại các điểm trọng yếu. Xuất phát từ tâm lý “sợ cảnh sát giao thông” của đại đa số người dân Việt Nam, việc có thêm lực lượng CSCĐ phối hợp với các lực lượng khác như CSGT, Công an viên tại các điểm ùn tắc có thể giúp cho người tham gia giao thông đi theo đúng làn đường, không vượt ngang, vượt dọc sẽ giúp cho tình trạng ùn tắc được giảm thiểu đáng kể.

Bên cạnh đó, CSGT, Thanh tra GTVT thường xuyên kiểm tra và xử lý kiên quyết các trường hợp xe ô tô, xe mô tô chở hàng quá khổ và các hành vi vi phạm các quy định về ATGT. Đồng thời cũng cần kiểm tra và xử lý nghiêm những cán bộ, chiến sĩ công an giao thông và thanh tra giao thông không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Các cơ quan chức năng cần đôn đốc, kiểm tra các chủ đầu tư đang thực hiện dự án đường giao thông trên địa bàn, cần đẩy nhanh tiến độ thi công, công trình xong đến đâu tháo bỏ rào chắn đến đó, vì đây là những “điểm đen” ách tắc giao thông. Tổ chức lại giao thông nội đô, nâng cao năng lực vận tải của các phương tiện giao thông công cộng, xem xét kỹ mật độ giao thông, lưu lượng xe tham gia giao thông của từng khu vực để đưa ra các phương án phân luồng hợp lý, tránh tạo ra các nút thắt về giao thông, điều chỉnh lại một số nút giao thông cắt ngang hợp lý và tín hiệu đèn đường sao cho phù hợp với lượng xe lưu thông trên đường. Hà Nội ngàn năm văn hiến là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội lớn nhất của cả nước. Cho nên, cần có chế tài đủ mạnh cho người tham gia giao thông, đồng thời quy hoạch một mạng lưới giao thông tương xứng hiện đại và bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập.