Sử dụng năng lượng thay thế
Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Trịnh Quốc Đạt cho biết, hiện cả nước có hơn 5.400 làng nghề, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia. Các làng nghề đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Tuy nhiên, do sản xuất chủ yếu là quy mô hộ gia đình, sử dụng trang thiết bị lạc hậu nên vừa tiêu tốn năng lượng, vừa gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải nhìn chung vẫn chưa được quan tâm đầu tư xây dựng. Do vậy, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nổi cộm. “Vấn đề này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu các làng nghề ứng dụng công nghệ để sử dụng năng lượng thay thế vào sản xuất” – ông Đạt khẳng định.
Chủ tịch Hiệp hội làng nghề truyền thống bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Văn Họa cho biết, trước đây nước thải và các loại chất thải của làng nghề chủ yếu xả trực tiếp ra kênh dẫn của sông Nhuệ. Vì thế, không khí trong làng lúc nào cũng có mùi hôi, chua nồng nặc. Vấn nạn này kéo dài hàng chục năm trời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên bài toán này đã được hóa giải khi làng nghề ứng dụng công nghệ và sử dụng năng lượng thay thế vào sản xuất. Thay vì dùng than như trước kia, làng bún Phú Đô chuyển sang sử dụng lò than cải tiến, nồi hơi và dây chuyền khép kín từ máy xay, nhào bột, làm bún… bằng điện.
Theo ông Hà Văn Lâm – Trưởng ban đại diện Nhân dân làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), trước đây, người dân làng nghề chủ yếu sử dụng than để nung gốm, vì vậy thải ra môi trường các loại khí độc hại như CO2, SO2, H2S. Nhưng nay, nhờ chuyển đổi công nghệ sang lò gas để nung gốm giúp các hộ sản xuất tăng lợi nhuận lên 2 - 3 lần so với công nghệ cũ, đặc biệt bài toán ô nhiễm môi trường đã được cải thiện.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Tuy đem lại nhiều kết quả tích cực nhưng theo chia sẻ của người dân tại các làng nghề, việc sử dụng nguyên liệu thay thế hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu là nguồn vốn và mặt bằng sản xuất. Do đó, để khuyến khích người dân sử dụng năng lượng thay thế cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách về vốn.
Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Tăng Thế Hùng cho biết, sử dụng năng lượng thay thế là chìa khóa cho bài toán môi trường và phát triển bền vững của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, các làng nghề vẫn sử dụng chủ yếu loại hình năng lượng truyền thống và năng lượng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản phẩm. Trong khi xu thế sản phẩm trên thế giới là tỷ trọng công nghệ hiện đại, hàm lượng chất xám ngày càng cao. "Thời gian tới, Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ DN công nghiệp trong các làng nghề thực hiện lộ trình phát triển bền vững thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" - ông Hùng cho biết.