Ngày 28/6, báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp cho giao thông bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030". Diễn ra trong bối cảnh quá trình đô thị hóa đang khiến nhiều TP lớn ở Việt Nam đối diện với tình trạng ùn tắc, thiếu hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường… mục đích của buổi tọa đàm nhằm khắc họa một bức tranh khái quát về thực trạng giao thông đô thị hiện nay và các giải pháp khả thi cho tương lai.
“Gánh nặng” cho hạ tầng giao thông ngày càng lớn
Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS.TS Từ Sỹ Sùa - giảng viên Cao cấp trường Đại học GTVT cho rằng, các TP lớn cần phải đương đầu với những vấn đề thời sự của đô thị hiện đại. Có 5 vấn đề lớn của đô thị hiện đại là nhà ở, việc làm, giao thông đô thị, môi trường và nước sạch. Đây là 5 vấn đề bức xúc của đô thị hiện đại.
“Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tình trạng ách tắc giao thông đang ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân của tình trạng trên do hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển của phương tiện giao thông. Trong đó, phương tiện giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng tỷ lệ rất nhỏ, khoảng dưới 10%” - GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.
Theo vị chuyên gia này, một trong những nguyên nhân khiến phương tiện giao thông công cộng ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu là do đang thiếu những phương tiện công cộng có sức chứa lớn mà điển hình là tàu điện ngầm. Dù trên thực tế, loại hình phương tiện giao thông công cộng này đã xuất hiện ở Hà Nội từ hơn 200 năm trước.
“Hiện nay, chúng ta đang phát triển được nhiều phương tiện vận tải công cộng khác như: Xe buýt, xe buýt nhanh, đường sắt đô thị... nhưng vẫn rất cần ưu tiên phương tiện vận tải công cộng có sức chứa lớn và hạn chế phương tiện cá nhân. Đây chính là hai giải pháp trọng tâm để giảm ùn tắc giao thông” - GS.TS Từ Sỹ Sùa nói và nhấn mạnh, trong bối cảnh ùn tắc giao thông đang nhức nhối như hiện nay thì trong thời gian tới, tình trạng này sẽ ngày càng trở nên trầm trọng nếu như chúng ta không có giải pháp cải thiện và khắc phục kịp thời.
Lý giải kỹ hơn cho vấn đề này, ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sản lượng vận tải hành khách công cộng chưa đạt được theo kỳ vọng mà nguyên nhân lớn nhất là dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, việc ưu tiên phương tiện công cộng không được quan tâm đầy đủ, gặp nhiều khó khăn và tâm lý của người dân. “Hiện nay, tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng thấp, khó phát triển do phương tiện cá nhân tăng nhanh” - ông Nguyễn Tuyển nói và cho biết, hiện Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất TP Hà Nội tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và dần có sự đồng thuận với việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, sử dụng phương tiện công cộng.
Sở GTVT cũng đang được UBND TP giao xây dựng hai đề án như hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô, phân vùng xe máy và cần có những giải pháp, lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân, để phương tiện công cộng phát triển.
“Hà Nội đang có đơn vị đề xuất thí điểm thực hiện xe đạp công cộng, chúng tôi đang hướng dẫn đơn vị thực hiện, nghiên cứu sao cho phù hợp với Hà Nội nhằm mục đích đến năm 2030 sản lượng vận tải hành khách công cộng của TP Hà Nội đạt từ 45 - 50%” - ông Nguyễn Tuyển cho biết thêm.
Lời giải từ xe điện
Nhắc lại chủ đề của buổi tọa đàm là “Giải pháp cho giao thông bền vững ở Việt Nam, giai đoạn 2020 - 2030”, GS.TS Từ Sỹ Sùa nói: “Phát triển bền vững là phát triển đều trên cả 3 phương diện: Kinh tế, xã hội và môi trường. Đây được ví như 3 cạnh của một tam giác”. Ông nhấn mạnh, trong 3 phương diện trên thì vấn đề ô nhiễm môi trường đang còn rất nhức nhối, đặc biệt với Hà Nội.
Để giải quyết vấn đề này, theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, việc chuyển đổi năng lượng sử dụng, trong đó có năng lượng sử dụng cho phương tiện giao thông có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện môi trường. Riêng với hệ thống xe buýt của Hà Nội, chuyên gia giao thông này cho rằng, TP cần tính toán đến việc thay thế hệ thống xe buýt hiện nay bằng xe buýt điện hoặc xe buýt sử dụng năng lượng sạch bởi hầu hết xe buýt mà TP Hà Nội sử dụng đã có thời hạn sử dụng cao. Ngoài việc hiệu suất khai thác kém thì những mức độ xả thải gây ô nhiễm môi trường của những phương tiện “già nua” này cũng tăng dần theo thời gian.
Tiếp mạch vấn đề, ông Nguyễn Tuyển tiết lộ, Hà Nội đã có kế hoạch phát triển phương tiện công cộng đến năm 2030. Theo kế hoạch, đã có sự phân chia nhất định như xe buýt đảm nhận 25%, tàu điện đảm nhận 3 - 4%...
“Hà Nội hiện hơn 2.000 xe buýt, số lượng phương tiện sử dụng năng lượng sạch đạt trên 10%. Trong thời gian tới chúng tôi đề xuất TP thay dần bằng phương tiện sử dụng năng lượng sạch” - ông Nguyễn Tuyển nói và cho biết việc các loại hình khác có sức chứa nhỏ hơn cũng cần tạo điều kiện cho DN, đơn vị chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch.
Phân tích sâu hơn về những giải pháp đã và đang được nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế trong việc phát triển xe điện và hướng tới mục tiêu xây dựng giao thông bền vững ở Việt Nam, ông Vũ Thắng - Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast cho biết, mục đích mà Vinfast hướng tới xe điện chính là để giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường.
Với việc có tới 30% ô nhiễm môi trường có liên quan đến giao thông thì phát triển phương tiện xanh chính là xu hướng tất yếu, không chỉ ở Việt Nam mà của toàn thế giới.
“Với Vingroup, Vinfast và Vinbus, chúng tôi đang xây dựng hệ thống xe điện thân thiện hơn với môi trường. Về phương tiện xe điện công cộng Vinbus đơn vị đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Sau nửa năm hoạt động, Vinbus đã được nhiều khách hàng quan tâm, tạo cơ hội mở rộng nhiều hơn. Đây là tín hiệu cho thấy phương tiện giao thông công cộng xanh rất được ủng hộ và là mong chờ của mọi người” - ông Vũ Thắng nói và cho biết, Vinfast sẽ không ngừng nghiên cứu và đưa ra thêm nhiều giải pháp để loại hình công cộng xanh phát triển hơn trong thời gian tới.
"Để DN phát triển phương tiện giao thông xanh, cần rất nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước. Hướng tới mục tiêu đưa rác thải ròng về 0 tại Hội nghị COP 26, mục tiêu cho đến năm 2050, cần thiết phải được xây dựng bằng các cơ chế, chính sách phát triển các dòng xe điện. 3 yếu tố chính: Khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của quốc gia và biện pháp khuyến khích xe điện." - Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast Vũ Thắng
"Muốn thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đầu tiên phương thức giao thông đó phải có chất lượng dịch vụ tốt và giá cả hợp lý. Nếu đáp ứng được 2 tiêu chí trên, người dân sẽ tự nguyện tìm đến với phương tiện giao thông công cộng." - Giảng viên Cao cấp trường Đại học GTVT, GS.TS Từ Sỹ Sùa