''Chúng ta có tính, có tầm nhìn nhiều năm sau nhưng những tính toán đấy vẫn chưa thực sự đủ chiều sâu và chiều dài chiến lược. Chính điều đó đã tạo ra tình trạng rất khó khăn cho việc đưa ra những giải pháp khắc phục về sau. Đây đang là bài toán khó cho vấn đề thoát nước, chống ngập úng trong đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng.'' - PGS.TS Trần Chủng |
Nguyên tắc vàng “3 chữ T”
Mấy năm gần đây tình trạng ngập úng ở Hà Nội, đặc biệt về mùa mưa đang là vấn đề nhức nhối chưa có lời giải. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng ngập úng của TP hiện nay?
- Nói đến vấn đề thoát nước sau mưa, tôi nhớ tới một kinh nghiệm dân gian rất nổi tiếng của các cụ ngày xưa, đó là nguyên tắc phải tôn trọng 3 chữ “T”. Chữ “T” thứ nhất là “trang”, nghĩa là mưa xuống phải trang rộng ra. Chữ “T” thứ hai là “thu”, tức là phải thu lại. Và, chữ “T” thứ ba là “tiêu”, tức là phải có hệ thống kênh mương để nước tiêu đi.
Từ nguyên tắc 3 chữ “T” của các cụ để đánh giá về công tác thoát nước ở Hà Nội đều không đạt cả 3 tiêu chí này. Đây là điều không khó nhận ra bởi về “trang” thì Hà Nội hiện nay đã bị đô thị hóa rất lớn, đâu đâu cũng mọc lên nhà cửa, công trình, làm gì còn khoảng không gian rộng lớn để “trang” nước mưa nữa. Đây là lý do khiến cho tất cả lượng mưa rơi xuống đều đổ dồn vào đường phố. Ngập úng vì thế mà xảy ra.
Cái thứ hai là về chữ “thu”, trước khi Hà Nội có rất nhiều hồ ao để thu nước, tụ nước để ngấm dần xuống lòng đất hoặc chuyển đi. Nhưng hiện nay rất nhiều ao hồ đã bị san lấp để làm mặt bằng cho các công trình xây dựng thì làm sao có chỗ “thu” nước mưa nữa.
Còn về chữ “tiêu”, hiện rất nhiều sông ngòi của Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Sét... ngày càng bị hẹp lại dòng chảy so với hiện trạng ban đầu. Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác “tiêu”, tức là thoát nước mưa. Có thể nói, xét theo 3 tổng kết về chữ “T” của các cụ thì chúng ta đang phạm hết, vì thế chuyện ngập úng đường phố khi có mưa to ở Hà Nội là điều không thể tránh khỏi.
Thực tế, Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực đưa ra giải pháp chống ngập úng trong những năm qua. Phải chăng những giải pháp đó chưa có hiệu quả, thưa ông?
- Dù ngập úng đường phố ở Hà Nội hiện nay vẫn đang là vấn đề thời sự nhưng không thể phủ nhận thời gian vừa qua, TP Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để đưa ra những giải pháp cải thiện tình hình.
Đáng kể nhất đó là, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng thông qua những nguồn vay nước ngoài, trong đó nổi bật có nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Phần lớn các giải pháp đã thực hiện đều tập trung vào vấn đề “tiêu”, tức là thoát nước. Nhiều hệ thống cống thoát nước được mở rộng, cải tạo rồi việc khơi thông sông Tô Lịch và các dòng sông khác trong TP. Tuy nhiên, khách quan mà nói những giải pháp này vẫn chưa mang lại hiệu quả cao.
Theo quan điểm của tôi, rất nhiều hệ thống cống mương, sông ngòi mình cải tạo, xây mới thì cần phải có một chế độ kiểm soát chặt chẽ. Điều này giúp chúng ta nắm rõ, liệu những công trình đó có thật sự mang đến hiệu quả thoát nước tốt hay không; các cống có bị rơi vào tình trạng đầy ứ, đọng nước hay không; cống có bị ngập tắc rác bên trong hay không... Đây là những việc khá phức tạp và lớn.
Ghi nhận sự cố gắng của các đơn vị thoát nước của Hà Nội trong thời gian qua nhưng chỉ mình những sự cố gắng ấy là chưa đủ nên tình trạng ngập vẫn còn nhiều. Ngoài ra, còn có những yếu tố khác cũng đang trở thành những trở ngại thách thức không nhỏ đối với công tác thoát nước, chống ngập úng tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Kiểm soát và làm chủ hệ thống thoát nước
Có ý kiến cho rằng, trong số những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng đường phố ở Hà Nội thì “thủ phạm” chính là tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cộng với việc quy hoạch hệ thống giao thông đô thị của TP vẫn chưa có tầm nhìn chiến lược. Ông có đồng ý với nhận định này?
- Nhận định đó là hoàn toàn chính xác. Đầu tiên có thể nói, chính quy hoạch giao thông không khoa học và có tầm nhìn xa khiến cho khi trời mưa lớn, lượng nước không thể “trang” ra được. Tôi lấy ví dụ như tại một khu đất rộng 1.000m2, khi mưa lớn nước không thoát kịp thì mực nước ứ đọng cũng chỉ khoảng 10cm nhưng khi khu đất ấy đã có tới 60% diện tích dành cho công trình xây dựng nhà cửa, cao ốc thì đương nhiên với một trận mưa tương tự, mực nước đọng lại sẽ cao hơn rất nhiều.
Trên thực tế không thể phủ nhận công tác quy hoạch giao thông đô thị, thời gian gần đây, đã được nâng tầm lên rất nhiều. Chúng ta có tính, có tầm nhìn nhiều năm sau nhưng những tính toán đấy vẫn chưa thực sự đủ chiều sâu và chiều dài chiến lược. Chính điều đó đã tạo ra tình trạng rất khó khăn cho việc đưa ra những giải pháp khắc phục về sau. Đây đang là bài toán khó cho vấn đề thoát nước, chống ngập úng trong đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng.
Đường Bùi Xương Trạch quận Thanh Xuân ngập nặng sau trận mưa lớn cuối tháng 7 vừa qua. Ảnh Phạm Hùng |
Nếu để ý, có thể nhận thấy tình trạng ngập úng ở Hà Nội chủ yếu diễn ra cục bộ trong các khu dân cư. Thậm chí có tình trạng các trạm bơm tiêu nước không đủ nước để hoạt động hết công suất nhưng sâu bên trong các khu dân cư ngập úng vẫn xảy ra. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?
- Đúng là những công trình phục vụ cho công tác tiêu thoát nước mà TP Hà Nội đã xây dựng trong thời gian qua là tương đối nhiều nhưng ngập vẫn cứ ngập, kể cả khi các trạm bơm không thể vận hành hết công suất vì lượng nước dồn về không đủ. Vấn đề nằm ở hiệu suất tiêu thoát nước của hệ thống cống mương từ trung tâm TP ra ngoài.
Để giải quyết vấn đề này, cần phải kiểm tra lại tất cả các hệ thống tiêu nước hiện nay của Hà Nội mới có thể đánh giá một cách chính xác hiện trạng, hiệu suất và những điểm tắc nghẽn, ùn ứ. Khi tiến hành sửa chữa, nâng cấp cũng phải tính đến phương án ưu tiên những điểm bị ngập úng cao nhất. Làm thế nào để hệ thống tiêu thoát nước được thông suốt, dẫn nước ra các trạm bơm một cách nhanh nhất thì tình trạng ngập úng cục bộ trong các khu dân cư mới chấm dứt được.
Theo ông, để giải bài toán ngập úng hiện nay, Hà Nội cần giải pháp nào?
- Tôi đang rất hoài nghi hệ thống cống rãnh thoát nước hiện nay của TP Hà Nội đang không có được hiệu suất cao nhất. Thậm chí là đang có rất nhiều điểm tắc nghẽn, ùn ứ, trũng đọng nước, rác thải trong các hệ thống cống rãnh này. Chính vì thế đã đến lúc phải kiểm tra lại toàn bộ, kể các các hố thu nước lẫn các cống mương tiêu thoát nước.
Nút thắt cần phải gỡ sớm chính là ở chỗ này. Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất trong giải pháp chống ngập úng ở TP Hà Nội hiện nay là phải tập trung kiểm soát lại và làm chủ được tình trạng của hệ thống tiêu nước hiện có, thông qua các cống rãnh, kênh mương tiêu nước để tập trung ra các sông ngòi dẫn nước ra các trạm bơm cưỡng bức. Đây phải là công việc ưu tiên số một.
Trong bối cảnh hiện nay khi vấn đề quy hoạch có nhiều bất cập, thiếu tầm nhìn, tốc độ đô thị hóa thì diễn ra chóng mặt, để tìm ra một giải pháp thật sự hữu hiệu giải quyết triệt để ngay và luôn vấn đề ngập úng ở Hà Nội không hề đơn giản. Do đó, chúng ta cần tập trung xử lý từng vấn đề một và ưu tiên hiện nay, chính là kiểm tra hệ thống thoát nước hiện có. Tìm ra những điểm tắc để tháo gỡ, làm sao để hệ thống kênh mương thoát nước được thông toàn tuyến.
Xin cảm ơn ông!