Để giải quyết những bất cập này, việc đầu tư mở rộng cao tốc là giải pháp bắt buộc nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chi phí cho mở rộng tuyến đường này lại cao hơn cả chi phí đầu tư ban đầu.
PV Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, về những vấn đề liên quan đến giải pháp câu chuyện mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn cũng như chủ trương thu phí cao tốc đầu tư công, vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua.
Việc đã được dự báo
Thời gian gần đây, dư luận đang quan tâm đến câu chuyện cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn vừa đưa vào khai thác được hơn một năm đã bộc lộ bất cập, hạn chế cần đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, chi phí mở rộng lại cao gần gấp rưỡi chi phí đầu tư ban đầu. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Việc cao tốc mới đưa vào khai thác được hơn một năm đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông như tại cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn là điều đã được dự báo. Rõ ràng, nếu dự án làm luôn 4 làn xe ngay từ ban đầu thì rõ ràng hiệu quả khai thác và đầu tư sẽ cao hơn. Còn bây giờ để nguyên trạng cao tốc này khai thác tiếp thì vừa không đảo tính hiệu quả nhưng đầu tư mở rộng thì sẽ rất tốn kém, như đề xuất của Sở GTVT tỉnh Ninh Bình là chi phí mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đắt gần gấp rưỡi so với chi phí đầu tư ban đầu.
Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
- Trước hết, có thể khẳng định lỗi do đơn vị thiết kế, do năng lực yếu kém của đơn vị thiết kế. Theo tôi, trước khi triển khai dự án, đã có những tranh luận xoay quanh việc đầu tư làm 4 làn xe hay 2 làn xe rồi. Tuy nhiên, lựa chọn cuối cùng vẫn là làm 2 làn xe và đến nay khi cao tốc này đưa vào khai thác một thời gian ngắn đã bộc lộ bất cập, hạn chế.
Không chỉ với đường cao tốc mà ngay cả với một công trình đơn giản là nhà ở, nếu không nghiên cứu kỹ để đến khi nhà cất mái mới phát sinh ra hạng mục phải bổ sung thì rõ ràng chi phí sẽ bị đội lên rất nhiều. Đây là một bài học kinh nghiệp đồng thời cũng cần có chế tài xử lý. Cần có biện pháp xử lý những đơn vị liên quan thì mới bảo đảm tính răn đe và không để lặp lại vấn đề này ở những dự án sau.
Một câu chuyện khác cũng đang được dư luận rất quan tâm là tìm đâu ra nguồn vốn để đầu tư mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang khó khăn, còn việc huy động nguồn lực xã hội cũng đang gặp khó. Ông có giải pháp nào không?
- Với cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, rõ ràng giờ muốn mở rộng để bảo đảm hiệu quả khai thác và ATGT thì rất tốn kém nhưng chắc chắn có tốn cũng phải làm. Không mở rộng thì không được. Bây giờ ngân sách Nhà nước vẫn đang khó khăn, trong khi huy động vốn từ nguồn lực bên ngoài cũng đang gặp khó nhưng dù có khó thì vẫn phải làm thôi, vẫn phải kêu gọi thôi. Đây là cách làm duy nhất.
Vấn đề ở đây chính là trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, thời gian qua chúng ta đã phải “thắt lưng buộc bụng” để dành ngân sách phân bổ cho những dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam. Bây giờ lại phát sinh cái mới, nằm ngoài danh mục phân bổ của ngân sách thì chỉ có thể sử dụng phương án kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài như đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, hợp đồng BOT…
Nói chung là phải làm sao huy động được nguồn lực từ bên ngoài, còn hiện nay nguồn lực Nhà nước đang khó khăn.
Tăng thuế phí không phải cách tăng ngân sách hiệu quả nhất
Từ câu chuyện mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, có ý kiến cho rằng cần xem lại chủ trương thu phí cao tốc đầu tư công bởi nếu cho rằng cao tốc đầu tư công mang tới dịch vụ tốt hơn hẳn so với các tuyến đường QL nên cần phải thu phí thì rõ ràng chất lượng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn chưa thật sự thuyết phục. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đầu tiên phải khẳng định rằng những lý do được đưa ra để thu phí cao tốc đầu tư công hiện nay là chưa thật sự thuyết phục.
Thứ nhất, nếu so sánh với cách làm của các nước trên thế giới thì tại sao rất nhiều nước phát triển, điển hình là Mỹ, họ giàu thế nhưng họ không thu phí cao tốc đầu tư công, tại sao không so sánh với quốc gia này.
Thứ hai, thất thoát lãng phí về ngân sách trong đầu tư hạ tầng cơ sở là rất lớn. Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội cho thấy, trong 5 năm, từ 2016 - 2021 đã có gần 32.000 tỷ đồng ngân sách bị thất thoát. Điều này chứng tỏ công tác quản lý, sử dụng ngân sách không hiệu quả. Trong khi đó, chất lượng công trình lại chưa bảo đảm.
Với cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, rõ ràng giờ muốn mở rộng để bảo đảm hiệu quả khai thác và ATGT thì rất tốn kém nhưng chắc chắn có tốn cũng phải làm. Không mở rộng thì không được. Bây giờ ngân sách Nhà nước vẫn đang khó khăn trong khi huy động vốn từ nguồn lực bên ngoài cũng đang gặp khó nhưng dù có khó thì vẫn phải làm thôi, vẫn phải kêu gọi thôi. Đây là cách làm duy nhất.
PGS.TS Ngô Trí Long
Mỗi lần khó khăn ngân sách thì lại muốn tăng thu, điều này rõ ràng không đúng về chiến lược quản lý tài chính. Bởi quản lý tài chính thì phải bảo đảm sử dụng tiết kiệm, đồng thời muốn có nguồn thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu. Vấn đề ở đây là đã quản lý, sử dụng ngân sách không hiệu quả, gây lãng phí mà lại muốn tăng thu để tăng ngân sách. Đây là cách tư duy không đúng, gây hệ lụy rất lớn cho các DN cũng như người tiêu dùng.
Theo ông, đâu là cách tăng nguồn thu hiệu quả nhất?
- Vấn đề thu phí cao tốc đầu tư công đã được đưa ra cách đây hai năm, bây giờ lại quay lại. Mục đích của việc thu phí này được đưa ra là nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách để từ đó có thêm vốn đầu tư những tuyến đường cao tốc khác.
Tuy nhiên, trong những cách để tăng ngân sách chính là sử dụng nguồn ngân sách đó một cách hợp lý và hiệu quả. Trong trường hợp nguồn lực Nhà nước có hạn nên phải huy động bằng rất nhiều hình thức khác như PPP, BOT chứ không phải đổ dồn gánh nặng lên ngân sách...
Hiện nay thu phí bảo trì đã có, người dân cũng nộp tiền thuế. Nay lại thu phí trên các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư chắc chắn sẽ gây quan ngại vì phí chồng phí.
Xin cảm ơn ông!