Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lời giải nào cho "bài toán" nâng cao mức chi tiêu của khách quốc tế?

Gia Việt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vài năm trở lại đây, lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam có sự tăng trưởng đột phá. Nhưng, có một thực tế đáng buồn là mức chi tiêu của khách quốc tế lại giảm, trong khi chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho khách quốc tế không được tận dụng tốt để kích thích các “thượng đế” mua sắm nhiều hơn.

Thiếu giải pháp kích cầu du lịch
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong tháng 11 vừa qua, cả nước đã đón 1,17 triệu lượt khách đến, tăng 14,4% so với tháng 10.2017. Đây là tháng thứ 8 từ đầu năm đến nay Việt Nam đón trên 1 triệu lượt khách. Tính chung 11 tháng đã qua của năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 11,645 triệu lượt, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến, đến hết năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt mức 12,8 triệu lượt, tăng 28% so với năm 2016. Theo nhận định của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực du lịch – dịch vụ, đây là một kết quả rất khả quan.
Mặc dù lượng khách đến Việt Nam tăng cao, nhưng theo nhiều chuyên gia du lịch, doanh nghiệp, điều quan trọng hơn là làm sao để khách chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn, quay lại sớm hơn và có ấn tượng tốt về du lịch Việt lại vẫn luôn là một bài toán khó. Trong 10 tháng đầu năm nay, lượng khách từ châu Á đến Việt Nam tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng khách từ Trung Quốc tăng rất nóng với 45,6%. Tuy nhiên, theo Ban Thư ký - Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, chi tiêu bình quân của du khách Trung Quốc rất thấp, khoảng 638USD/người và khách đến từ nhiều thị trường khác cũng chi tiêu rất khiêm tốn, chỉ đạt 943,8USD/người.
 Khách du lịch nước ngoài đến VN luôn tăng cao nhưng mức chi tiêu rất thấp (hình minh họa).
Đây là một nghịch lý đáng buồn trong việc thu hút khách du lịch hiện nay, đồng thời, “nghịch lý buồn” này cũng là đáp án cho câu hỏi “Vì sao tăng trưởng về doanh thu không tương xứng với lượng khách đến?” bấy lâu nay vẫn đau đáu với những người làm du lịch.
TP Hồ Chí Minh được coi là một trong những thị trường trọng điểm về du lịch của nước ta. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhận định, con số tăng trưởng về doanh thu không tương xứng với lượng khách đến có nguyên nhân là do các dịch vụ du lịch tại TP Hồ Chí Minh chưa nhiều, chưa đa dạng và đặc biệt là thiếu sản phẩm thu hút sức chi tiêu của khách. Theo các chuyên gia, đây cũng là thực trạng chung của ngành du lịch Việt Nam.
Cần khuyến khích du khách… tiêu tiền
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Phạm Trung Lương – chuyên gia thuộc Hiệp hội Đào tạo Du lịch VN (VITEA) cho rằng, mua sắm – hoạt động tiêu tiền của du khách - không chỉ là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch, mà còn là yếu tố nâng cao mức chi tiêu trung bình của du khách trong chuyến đi du lịch tại điểm đến. Mức độ hấp dẫn của mua sắm phụ thuộc vào sự đa dạng, chất lượng và tính hợp lý về giá cả hàng hoá, bao gồm hàng hiệu và hàng thủ công mỹ nghệ địa phương mà du khách quan tâm.
“Trong số các nhu cầu cơ bản của khách du lịch tại một điểm đến thì mua sắm là một nhu cầu quan trọng, không chỉ góp phần tạo ra sức hấp dẫn của điểm đến mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch tại điểm đến đó. Đây còn được xem là yếu tố kích cầu du lịch, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh du lịch giữa các điểm đến. Trong trường hợp này, mua sắm sẽ không chỉ là yêu tố quan trọng thu hút khách du lịch, đặc biệt đối với những thị trường hoặc phân khúc thị trường có nhu cầu cao về mua sắm trong chuyến đi du lịch mà còn là yếu tố nâng cao mức chi tiêu trung bình của du khách trong chuyến đi du lịch tại điểm đến”, ông Lương nói.
Cũng theo PGS.TS Phạm Trung Lương, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn đối với mua sắm của điểm đến du lịch là việc hoàn thuế GTGT cho khách du lịch, trong đó, tỷ lệ được hoàn thuế và tính thuận lợi trong việc hoàn thuế có ý nghĩa quyết định. Thực tế, chính sách hoàn thuế GTGT cho du khách đã được thí điểm thực hiện từ năm 2012. Mục tiêu của chính sách nhằm khuyến khích khách quốc tế tiêu dùng, kích thích sản xuất phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, nâng cao hình ảnh và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện mục tiêu này không như mong muốn, việc hoàn thuế GTGT để thu hút khách du lịch đến với Việt Nam chưa như mong đợi. Số lượng DN tham gia chương trình hoàn thuế không nhiều, kết quả hoàn thuế cho du khách chưa cao, chưa thực sự tạo ra sức hút đối với du khách. Thậm chí, còn có tình trạng vi phạm về hóa đơn chứng từ trong kinh doanh, mập mờ về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa ảnh hưỏng đến quyền lợi của người tiêu dùng nói chung, du khách nói riêng.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc tăng cường quảng bá du lịch, đẩy mạnh công tác truyền thông và mở rộng cửa hàng bán hàng được hoàn thuế GTGT cũng như nâng cao vai trò của các doanh nghiệp là hai công việc quan trọng hàng đầu mà các cơ quan nhà nước, DN và người dân cần thường xuyên thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần nhận diện những hạn chế của ngành du lịch và các ngành có liên quan, đặc biệt là ngành thương mại và tài chính để đẩy mạnh hoạt động mua sắm đi liền với việc hoàn thuế GTGT, góp phần tích cực kích cầu, thu hút và tăng chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, qua đó góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước vào năm 2030 theo tinh thần của Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị - Để phát triển Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực.
“Tại nhiều quốc gia như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc... họ luôn coi trọng “cung” về mua sắm như một yếu tố mang tính chiến lược trong các kế hoạch phát triển du lịch nhằm thu hút du khách và nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch ở tầm quốc gia. Đứng ở góc độ này, cung về “mua sắm” trong hoạt động du lịch góp phần quan trọng tạo nên hình ảnh và sức cạnh tranh điểm đến du lịch của các quốc gia đó. Phát triển du lịch ở VN với việc đẩy mạnh “cung” về mua sắm cũng không phải là ngoại lệ” - PGS.TS Phạm Trung Lương – Hiệp hội Đào tạo Du lịch VN (VITEA).
“Chúng ta nên có những biện pháp tuyên truyền rộng rãi tại sân bay về chính sách hoàn thuế GTGT để du khách nước ngoài biết được rằng khi đến Việt Nam du lịch và mua sắm hàng hóa thì sẽ có quyền được hoàn lại thuế GTGT theo quy định của Việt Nam, và quy định này giống với các quy định của các nước khác trong khu vực” - Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh.
“Chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hoá của người nước ngoài, người VN định cư ở nước ngoài khi xuất cảnh là phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện, hoàn cảnh VN; thúc đẩy các đối tượng đó tăng chi tiêu mua hàng hóa của VN qua đó phát triển du lịch, xuất khẩu hàng hóa, các ngành sản xuất, kinh doanh trong nước, quảng bá văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần hoàn thiện chính sách thuế GTGT” - Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh.