Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lợi ích đường dài khi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là xu thế tất yếu, mang lại lợi ích đường dài, Bộ Công Thương đã và đang khuyến cáo, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi theo lộ trình rõ ràng.

Chuyển đổi trong 5 năm

Gần đây Trung Quốc dựng lên những rào cản mới cho nhập khẩu tiểu ngạch ngang bằng với chính ngạch đã cho thấy hàng nông sản Việt Nam không còn nhiều cơ hội đi tiểu ngạch như trước đây.

Thu hoạch Thanh Long phục vụ xuất khẩu tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh minh họa
Thu hoạch Thanh Long phục vụ xuất khẩu tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh minh họa

Nhìn nhận về vấn đề này, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên phân tích, việc Trung Quốc xây dựng lộ trình đóng biên, loại bỏ hoàn toàn xuất khẩu tiểu ngạch vào nước này sẽ là trở ngại lớn với cả thương nhân Việt Nam và Trung Quốc.

Đây cũng là khó khăn chung đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam khi hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay số mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch. Trong khi đó, có tới 70% sản lượng nông sản xuất khẩu sang nước bạn bằng đường tiểu ngạch và doanh nghiệp xuất khẩu đa phần là doanh nghiệp nhỏ.

Trước thực tế này, Bộ Công Thương đã xây dựng và đang xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.

 

Lộ trình được đề xuất cụ thể: Từ ngày 1/1/2025, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới.

Cũng kể từ thời điểm này, chỉ cư dân cư trú tại khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân. Chính thức áp dụng định mức mới đối với mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân phải có mặt để làm thủ tục xuất cảnh.

Một số mặt hàng thủy sản xuất sang Trung Quốc bị cảnh báo chất lượng. Ảnh minh họa
Một số mặt hàng thủy sản xuất sang Trung Quốc bị cảnh báo chất lượng. Ảnh minh họa

Từ ngày 1/1/2026, các mặt hàng đã được xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức chính ngạch chỉ được phép làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và các cửa khẩu phụ, lối mở đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2027, dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới chưa đạt được thoả thuận song phương về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới. Từ ngày 1/1/2028, tại tất cả các cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Như vậy, mốc thời gian đến năm 2028 còn 5 năm nữa, là quãng thời gian vừa đủ để người dân, các hợp tác xã, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn bộ quy mô từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hiện nay sang sản xuất lớn. Đây cũng là yếu tố bắt buộc để có được các sản phẩm chất lượng, đạt yêu cầu phía đối tác nhập khẩu.

Doanh nghiệp phải từng bước thích ứng

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường 1,4 tỷ dân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn khuyến cáo: Các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.

 

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.

Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường. Đặc biệt, cần xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngoại ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.

Đề cập về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng: Nông sản Việt Nam tới đây phải khẳng định trên thị trường quốc tế bằng chất lượng, chứ không đơn thuần chỉ làm số lượng. Do đó, để xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị từ trước. Đó là các doanh nghiệp nhỏ cần liên kết lại để có vùng trồng đạt tiêu chuẩn để được cấp mã số; đồng thời phải đầu tư thêm về cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị đưa nông sản vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit Nguyễn Khắc Huy cho biết: Công ty đang xây thêm nhà máy sản xuất, tiến hành các thủ tục cấp mã số kho, mã số vùng nguyên liệu. Nếu không có lộ trình chuẩn bị trước thì sẽ rất khó khăn, trở tay không kịp. Nông dân, doanh nghiệp rất cần chính quyền địa phương cùng thực hiện lộ trình này.

“Trước tiên, địa phương cần xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở khu vực biên giới nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bảo toàn chất lượng nông sản tốt nhất đến thời hạn giao hàng.”- ông Nguyễn Khắc Huy đề xuất.