Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lối sống bi quan và những hệ lụy

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong năm nay, nhiều vụ việc học sinh vi phạm pháp luật, đạo đức được nêu ra, khiến một số người có cái nhìn bi quan về lối sống của thế hệ trẻ. Nhưng ở một khía cạnh khác, chính người lớn đã đẩy lứa tuổi chấp chới bước vào đời vào trạng thái bi quan trước cuộc sống.

Những con số đáng quan tâm

Trong một kết quả điều tra năm 2010 cho thấy, sau 5 năm, tình trạng bi quan, chán nản trong thanh niên có chiều hướng tăng lên một cách đáng lo ngại. Cụ thể, có 73,1% thanh niên từng có cảm giác buồn chán; 27,6% từng "rất buồn," thấy mình vô tích sự đến nỗi làm cho bản thân không muốn hoạt động như bình thường. Có tới 21,3% từng thất vọng hoàn toàn về tương lai và 4,1% nảy sinh ý nghĩ tự tử. Đặc biệt, xu hướng chung là càng ở nhóm tuổi trẻ hơn thì mức độ và tỷ lệ buồn chán càng cao. Có tới 75% người được hỏi trong độ tuổi 14 - 17 và 18 - 21 từng trải qua trạng thái đó, trong khi ở nhóm tuổi 22 - 25 là hơn 65%. Trong cuộc khảo sát của PGS Phạm Hồng Tung (ĐH Quốc gia Hà Nội), trong số trên 2.000 thanh niên tham gia trả lời, có đến 84,5% cho biết họ "chưa bao giờ" nghĩ đến việc tự tử, nhưng cũng có 10,6% cho biết họ "hiếm khi", 3,5% "thỉnh thoảng" và 1,4% "thường xuyên hay "rất thường xuyên" nghĩ đến việc tự tử.

Từ lối sống bi quan, dẫn đến xu hướng tiêu cực của thanh niên Việt Nam hiện nay là: Buông thả bản thân; hành xử hung bạo, bất chấp pháp luật; ích kỷ, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm và nhiệt tình của tuổi trẻ; sống hời hợt, a dua theo các trào lưu "thời thượng". Đáng chú ý là lối sống buông thả bản thân, bế tắc trong cuộc sống dẫn tới hành động tự tử của thanh niên (dù chỉ một bộ phận nhỏ). Do vậy, đây là một vấn đề cần được quan tâm nghiêm túc và thiết thực nhằm ngăn ngừa có hiệu quả. Lối sống buông thả cũng được biểu hiện ra với những biểu hiện thác loạn của thanh niên, trong đó điển hình là việc họ sa vào các tệ nạn xã hội và sống, lao theo các trào lưu bỏ nhà "đi bụi".

Xuất phát điểm gia đình

Nếu không có sự tác động từ gia đình, chiều hướng bi quan sẽ tăng nặng hơn, là nhận định được đưa ra. Theo TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học, một trong những giải pháp đầu tiên để giảm thiểu những suy nghĩ và hành vi lệch chuẩn của giới trẻ là sự giáo dục từ gia đình. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái hơn trong mọi vấn đề, nhất là đạo đức, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. “Sự gương mẫu trong cách ứng xử, lối sống, trong làm việc… của cha mẹ chính là phương pháp giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất tới con cái. Những bậc cha mẹ sống với nhau hòa thuận chung thủy và có tình nghĩa với nhau là tấm gương sáng cho con cái noi theo” - ông Bình nói.

Trong một nghiên cứu về mối liên hệ trên cho thấy, trong số các em có hành vi lệch chuẩn, có 77,3% nói rằng trong gia đình mình "các thành viên ít có sự quan tâm lẫn nhau", có 52% trả lời các bậc cha mẹ "ít quan tâm" đến đời sống tâm lý, tinh thần của con cái… Các chuyên gia cho rằng, sai lầm lớn nhất hiện này là cha mẹ thường áp dụng cách giáo dục bằng lời khuyên, bằng sự giải thích mà thiếu đi cách giáo dục khác. Trong thực tế, cha mẹ cũng có lỗi rất lớn khi suốt ngày chỉ bắt các con đi học các môn văn hóa, rồi học thêm các môn khác mà không để ý nhiều đến kỹ năng ứng xử, giá trị sống.

Theo TSKH Đoàn Hương, để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm pháp luật ở tuổi học trò cũng có phần lỗi lớn từ người lớn. Chúng ta đừng nhìn nhận trẻ em là trẻ em nữa mà các em sẽ là những người chủ trong tương lai. Các em cũng đừng coi mình là trẻ con nữa, phải lớn lên vì các em phải gánh vác vận mệnh của đất nước. Lớp  trẻ cũng phải tự định hướng được hành động và suy nghĩ của mình, nếu không như con tàu đi mà không có la bàn.