“Lợi thế” nhân công giá rẻ mất dần: Có đáng lo?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chúng ta biết rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) hay của cải của một nền kinh tế do lực lượng lao động làm ra.

KTĐT - Chúng ta biết rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) hay của cải của một nền kinh tế do lực lượng lao động làm ra. Ngoài tiền lương của người lao động, GDP còn chia cho những người sở hữu các tư liệu sản xuất, chủ doanh nghiệp và đóng thuế cho nhà nước.

Việt Nam vẫn được biết đến như một quốc gia có “lợi thế” về nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, chi phí lao động ngày một đắt đỏ hơn đang làm “lợi thế” này dần mất đi. Điều này có đáng lo ngại?

Câu trả lời là không vì lao động trở nên “đắt đỏ” hơn chính là mục tiêu của một nền kinh tế. Chi phí lao động cao thường đi đôi với thu nhập bình quân đầu người và năng suất lao động cao.

Tại sao bình quân một người lao động ở Singapore được trả 35.000 đô la/năm, trong khi con số này ở Việt Nam chỉ vào khoảng 1.000 đô la? Câu trả lời chính là năng suất lao động.

Chúng ta biết rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) hay của cải của một nền kinh tế do lực lượng lao động làm ra. Ngoài tiền lương của người lao động, GDP còn chia cho những người sở hữu các tư liệu sản xuất, chủ doanh nghiệp và đóng thuế cho nhà nước.

Do vậy, năng suất lao động trung bình hay giá trị gia tăng do một người lao động tạo ra phải cao hơn tiền lương của họ. Để có được lương cao thì năng suất lao động phải cao.

Đương nhiên ai cũng muốn có chi phí lao động đắt như Singapore chứ không ai muốn có chi phí lao động rẻ như Việt Nam. Lao động rẻ là một chỉ số cho biết sự nghèo nàn, lạc hậu và thấp kém của một quốc gia.

Việc các doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động, nhất là lao động phổ thông là điều đáng mừng chứ không phải là điều đáng lo. Hầu hết mọi người đã đến tuổi lao động thì phải đi làm, nên khi họ từ chối một cơ hội tuyển dụng nào đó chứng tỏ họ đang có những cơ hội khác tốt hơn.

Một cách tự nhiên, khi chọn lựa công việc, ai cũng phân tích lợi ích và chi phí. Trong tất cả các lựa chọn sẵn có, công việc có lợi ích ròng (lợi ích > chi phí) lớn nhất sẽ được chọn.

Mỗi người có cách đánh giá lợi ích và chi phí khác nhau, nhưng nhìn chung lợi ích ròng tối ưu với một người thì cũng tối ưu với xã hội (trừ những trường hợp cá biệt như thất bại thị trường chẳng hạn).

Việc không chọn cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp, có nghĩa là người lao động đang tạo ra một lợi ích ròng cao hơn cho xã hội so với làm việc tại các doanh nghiệp nêu trên.

Nếu muốn tuyển dụng được lao động, không còn cách nào khác doanh nghiệp phải giúp cho người lao động có được lợi ích ròng cao hơn cơ hội làm việc mà họ đang có.

Dĩ nhiên, doanh nghiệp không thể trả lương cao hơn giá trị gia tăng mà một người lao động mang lại. Muốn tồn tại, các doanh nghiệp phải tìm cách cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động hay lựa chọn những hoạt động sản xuất kinh doanh có giá trị gia tăng cao hơn với mức hiện hữu. Điều này có nghĩa là các nguồn lực sẽ được sử dụng một cách hiệu quả hơn và kết quả cuối cùng là cả xã hội sẽ khấm khá hơn.

Tuy nhiên, trong câu chuyện này, nếu mức lương không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày của người lao động thì sẽ là một vấn đề khác. Nhất là khi tình trạng này là do giá cả trong nước tăng quá cao trong khi tỷ giá đồng tiền được duy trì ở một mức ổn định làm cho đồng tiền trong nước tăng giá gây ra bất lợi cho cả hoạt động xuất khẩu và sản xuất hàng hóa dịch vụ tiêu dùng trong nước. Lúc này trách nhiệm thuộc về việc điều hành chính sách vĩ mô của Nhà nước.

Tóm lại, việc các doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động là những dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Việc cần phải làm là tìm cách tăng năng suất lao động để chi phí lao động trở nên đắt đỏ hơn nữa chứ không phải tìm cách duy trì lợi thế nhân công giá rẻ.