Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Long An: Xảy ra nhiều điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nghiêm trọng

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Trên địa bàn tỉnh Long An đã xảy ra 4 điểm sạt lở đất nguy hiểm và đặc biệt nghiêm trọng tại các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Cần Giuộc, Tân Trụ.

Sạt lở đe dọa đến an toàn của những hộ dân sinh sống trong khu vực và làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông. 

Sạt lở bờ sông tại ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, tỉnh Long An (ảnh tư liệu).
Sạt lở bờ sông tại ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, tỉnh Long An (ảnh tư liệu).

Điểm sạt lở nguy hiểm xảy ra gần đây nhất là khoảng 3 giờ ngày 23/5 tại khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây thuộc ấp Bình Hòa, xã Đức Tân (huyện Tân Trụ) với chiều dài khoảng 50m, bề rộng từ điểm sạt lở đến mép đất nhà dân khoảng 10m, độ sâu từ 6-8m. Sạt lở đã làm cuốn trôi xuống sông một cây dừa và một ao cá. Hiện người dân đã gia cố tạm thời bằng bẹ dừa nước và cây tràm để ngăn sạt lở.

Nguyên nhân sạt lở là do tác động của dòng chảy, phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông với mật độ dày; việc neo đậu tàu thuyền sai quy định; các công trình nhà ở, kho bãi vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng dẫn trên các tuyến sông, kênh, rạch làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu.

Theo nhận định của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tại Long An còn rất nhiều khu vực, điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Để có đủ nguồn lực tiếp tục thực hiện các dự án phòng chống, xử lý sạt lở trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Long An đề xuất Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm  kiếm cứu nạn tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bố trí ngân sách khoảng 1.400 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2023-2025.

Qua đó, Long An thực hiện 8 dự án phòng, chống sạt lở cấp bách như kè sông Bảo Định (đoạn từ đường Võ Văn Môn đến Ranh Tiền Giang), Phường 7, xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An; kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây khu vực khu phố Bình Hòa, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ; kè chống sạt lở bờ kênh Dương Văn Dương, ấp 1-4, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa...

Trước mắt, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, sụp lún có thể xảy ra; huy động lực lượng tuần tra, kiểm tra để sớm phát hiện các sự cố tại khu vực xung yếu, nguy hiểm có nguy cơ cao về sạt lở, sụp lún đất và có kế hoạch để triển khai di dời, gia cố, xử lý kịp thời; thường xuyên thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi về tình hình thời tiết, triều cường, mưa lũ, sạt lở đất, để nhân dân nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ công trình thủy lợi và năng lực phòng ngừa, ứng phó thiên tai.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên vận động, hướng dẫn người dân và phương tiện không đi vào những khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; khuyến cáo người dân không xây dựng công trình, nhà ở trong vùng sạt lở, sát bờ sông, kênh, rạch để hạn chế nguy cơ sạt lở xảy ra trong mùa mưa lũ. Các đơn vị liên quan tổ chức khoanh vùng, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, di dời các hộ dân đang sống ở những khu vực bị ảnh hưởng sạt lở đến khu vực an toàn.