Người là niềm tin tất thắng
Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, lòng người Cà Mau luôn hướng về Bác Hồ. Nhân dân nơi vùng đất tận cùng phía Nam Tổ quốc, ngoài lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc, trong trái tim luôn mang nặng hình bóng Bác Hồ, luôn mong ước đến ngày giải phóng Bác sẽ vào thăm miền Nam, đến thăm vùng đất, con người Cà Mau thân yêu.
“Hồi đó, rất nhiều người lính Việt Nam cộng hoà ngưỡng mộ tôn kính Bác Hồ, nên mới có chuyện ông Nguyễn Hữu Đạt (Mười Sạt), cán bộ binh địch vận ở ấp Ba Vinh xã Hưng Mỹ huyện Cái Nước đã vận động cả một đồn địch gồm một trung đội lính, mang gần 30 khẩu súng ra hàng, quay về với Cụ Hồ về với cách mạng.
Đêm đó, tôi và ông Mười Sạt ngồi ở nhà ổng kiểm đếm mấy chục cây súng mà lạnh sống lưng, địch ập vào là chết chắc. Gia đình ông Mười Sạt đều theo lời Bác tận trung với cách mạng, nên con cháu có nhiều người làm cán bộ Nhà nước, con trai và cháu nội ông Mười Sạt đều là đại tá QĐNDVN ” – ông Ba Vân ở Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, một cán bộ binh địch vận Cà Mau kể lại.
“Tôi nhớ vào cuối năm 1969, khi nghe tin Bác từ trần, từ cụ già đến các cháu nhỏ trong tỉnh đều đau buồn, tiếc thương Bác vô hạn.
Giữa rừng đước, rừng tràm có gần 20 ngôi đền thờ Bác Hồ được dựng lên bằng cây lá địa phương, chính nơi đây, hằng ngày bà con, cán bộ, chiến sĩ đến thắp nén hương tỏ lòng thành kính tưởng nhớ Bác Hồ.
Nhân dân vùng đất cuối trời Tổ quốc xem đền thờ Bác Hồ là biểu tượng của niềm tin tất thắng, mọi người cùng động viên nhau biến đau thương thành hành động cách mạng, không sợ gian khổ, hy sinh, quyết tâm chiến đấu, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn” – ông Phạm Thạnh Trị, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kể.
Hành trình cây vú sữa Miền Nam
Đến nhà sàn Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch tại Thủ đô Hà Nội, một hình ảnh quen thuộc là cây vú sữa được chính tay Bác Hồ trồng. Trải qua 70 năm, cây vú sữa vẫn vươn tán rộng che mát căn nhà sàn, như tấm lòng người Miền Nam nói chung và người Cà Mau luôn bên cạnh Bác.
Cây vú sữa miền Nam đó do mẹ Nguyễn Thị Sảnh (còn gọi là mẹ Tư Tố) ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau gửi theo đoàn quân tập kết ra miền Bắc biếu Bác.
Những ngày lênh đênh trên biển, nhưng cây vú sữa vẫn được chỉ huy đại đội 370 pháo binh, tiểu đoàn 307 anh hùng dành nước ngọt quý giá, cẩn thận chăm sóc. Cây vú sữa đó được Bác Hồ trồng cạnh ngôi nhà sàn, nơi Bác làm việc, nghỉ ngơi.
Năm 1969, tại nơi quê hương cây vú sữa Miền Nam nổi tiếng, người dân ấp 6, xã Trí Phải (nay là xã Trí Lực, huyện Thới Bình) khi hay Bác mất, đã nén đau thương lập gian nhà nhỏ thờ Bác Hồ ở giữa rừng, ngay dưới tầm đạn pháo giặc.
Năm 1973, ông Huỳnh Đảm (nguyên Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam) khi đó là Bí thư Huyện đoàn Thới Bình đã khởi xướng việc khôi phục và xây dựng mới nơi thờ cúng Bác tại đây.
Ông Huỳnh Minh Tâm, cựu chiến binh địa phương kể, nơi đây là một cái lung, trũng thấp, lau sậy um tùm, gần nhiều đồn địch đóng, nên việc xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Huyện đã vận động lực lượng đoàn viên thanh niên toàn huyện và mượn xuồng ghe của Nhân dân để chuyển đất từ nơi khác về làm nền, đồng thời kêu gọi bà con đóng góp cây, lá xây dựng.
Một tổ chiến đấu và tổ y tế lưu động được thành lập để túc trực hỗ trợ bảo vệ cho lực lượng làm việc. Đến ngày sinh nhật Bác 19/5/1974, huyện Thới Bình tổ chức lễ khánh thành Phủ thờ với rất đông người đến dự. Từ đó đến nay, ngày nào cũng có người dân đến viếng Bác, ấp 6 cũng được đổi tên thành ấp Phủ Thờ.
Đến ngày 19/5/1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác, hai cây vú sữa Miền Nam ở nhà sàn Bác Hồ được Bảo tàng Hồ Chí Minh chiết cành mang từ Hà Nội vào tặng huyện Thới Bình. Một cây được gửi tặng lại gia đình mẹ Liệt sĩ Lê Thị Sảnh, một cây được trồng tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ấp Phủ thờ.
Nhà sàn Bác Hồ giữa lòng TP Cà Mau
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, từ trong kháng chiến đến nay, Cà Mau đã dựng 21 đền thờ, phủ thờ, khu tưởng niệm, chưa kể hàng nghìn bàn thờ Bác trong Nhân dân. Có thể nói, Cà Mau là nơi có công trình thờ Bác nhiều nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá, hiện nơi đây chỉ còn 7 công trình thờ Bác khang trang, trong đó có 3 công trình được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Công trình có quy mô lớn nhất là Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà sàn Bác Hồ (toạ lạc tại Phường 1, TP Cà Mau).
Sau ngày thống nhất đất nước, để khắc ghi tình cảm sâu đậm của người dân cuối trời Nam đối với Bác Hồ, Trung ương cho phép tỉnh Minh Hải, (nay là tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu) xây dựng nhà sàn và ao cá Bác Hồ.
Với mục đích tạo điều kiện cho Ðảng bộ, quân, dân, nhất là các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng ở vùng sâu, vùng xa từ các huyện, tận Mũi Cà Mau chưa có điều kiện ra Hà Nội, được đến thăm viếng nhà sàn, ao cá Bác Hồ ở Cà Mau, như đã đến thăm viếng nhà sàn, ao cá Bác Hồ ở Hà Nội.
Ðể phục dựng y như nguyên mẫu, cán bộ phụ trách đã ra tận Quân khu 5 gặp đội thi công nhà sàn Bác ngày trước để xây dựng.
Tìm gặp kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, (lúc đó đã 83 tuổi) người thiết kế nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội đưa vào Cà Mau nhờ hỗ trợ xây dựng công trình đặc biệt này. Không chỉ mời đúng người với bản vẽ gốc, mà gỗ xây dựng cũng nhờ ông Ninh và đội thi công chọn lựa, mua giúp cho được loại gỗ tốt và vận chuyển từ miền Trung vào.
Hầu hết vật dụng ở nhà sàn này đều được Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội sưu tầm mang về chỉnh sửa, phục chế sao cho giống hệt nguyên mẫu. Phía trước nhà sàn có hàng rào dâm bụt, hoa lài, hoa ngọc lan, mấy cây dừa… rồi ao cá. Tất cả đều được tái hiện đúng vị trí như khuôn viên nhà sàn Bác ở Hà Nội.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà sàn ao cá Bác Hồ đã trở thành một địa chỉ đỏ đặc biệt của quân dân Cà Mau.
Trong những ngày lễ, Tết, đặc biệt vào ngày sinh nhật Bác 19/5, nơi đây cũng như tại các nơi thờ Bác đều có rất đông cán bộ, người dân đến viếng, báo công, phát động phong trào thi đua học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Là người Cà Mau, chúng tôi luôn tự hào công trình đặc biệt này. Được ngắm nhà sàn và ao cá Bác Hồ, chúng tôi như thấy hình ảnh Bác luôn hiện hữu” – anh Nguyễn Trung Hiếu, một người dân ở phường 9 TP Cà Mau nói.