Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lộng ngôn - thực trạng báo động trong cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ

Theo Văn hóa và Phát triển
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt từ thế kỷ XVI đã trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người.

Lộng ngôn - thực trạng báo động trong cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Tiến Quang

Sau khi được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016, việc giữ gìn sự trang nghiêm và tôn trọng lẫn nhau trong cộng đồng những người thực hành tín ngưỡng này là điều tối quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị thực sự của tín ngưỡng Thờ Mẫu. Tuy nhiên, sự lộng ngôn, thiếu tôn trọng lẫn nhau của 1 số người mang danh thầy đồng, cô đồng đã và đang làm xấu đi hình ảnh của những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tốt đẹp của dân tộc.

Những con sâu bỏ rầu...

Những năm gần đây, truyền thông và giới nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng đã nhiều lần phản ánh những bất cập trong “dòng chảy” của tín ngưỡng thờ Mẫu. Rất nhiều thanh đồng, những người đóng vai trò quan trọng trong thực hành tín ngưỡng này, không còn giữ được sự chuẩn mực trong hành vi và lối sống. Thay vào đó, họ lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, tự phong thánh thần, và thậm chí công khai bói toán kiếm lợi bất chính. Hiện tượng thanh đồng lộng ngôn, sử dụng những lời tục tĩu trong giao tiếp đang gia tăng và đặc biệt phổ biến trên mạng xã hội. Thay vì giữ gìn sự thiêng liêng và kính cẩn, nhiều người lại lạm dụng ngôn từ để tự tôn vinh mình hoặc hạ thấp người khác, nhất là trên mạng xã hội. Những lời nói thiếu kiểm soát, lạm dụng danh xưng để thao túng tâm lý đệ tử hoặc thậm chí biến tín ngưỡng thành nơi “buôn thần bán thánh” đang tạo ra một hình ảnh méo mó về tín ngưỡng thờ Mẫu và gây ra sự bất bình trong cộng đồng những người thực hành di sản này.

Đơn cử có nick facebook, tiktok là C.Ch thường xuyên phát trực tiếp "chửi" và quy kết người khác tội lừa đảo, kéo theo rất nhiều người vào “chửi” cùng vì xem video của ông Ch. mà không tìm hiểu thực hư sự việc.

Qua tìm hiểu, vào facebook có tên C.Ch, chúng tôi thấy rất nhiều clip người này dùng lời lẽ thô tục để chửi bới người khác, đáng báo động hơn, khi người này thực hiện hành vi này lại có cả trẻ em ngồi bên cạnh. Những ngôn từ chửi bới, nhục mạ người khác thiếu căn cứ được ông Ch nói bạt mạng, không có căn cứ, thiếu phù hợp với một người lớn chứ chưa nói ở vị trí một thanh đồng - người thực hành tín ngưỡng tốt đẹp lại có hành vi phản cảm như vậy. Những ai nói lời ngược ý sẽ bị réo tên, chửi rủa, xúc phạm công khai trên các clip.

Lộng ngôn - thực trạng báo động trong cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ - Ảnh 2
Việc một số thanh đồng tự cho mình là hiện thân của thánh thần, con của thánh thần rồi dùng quyền lực tự phong để xúc phạm, công kích người khác, đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng về niềm tin và giá trị đạo đức trong cộng đồng. Ảnh chụp màn hình

Sở hữu kênh facebook có 10 ngàn lượt thích, những clip chửi bới người khác của C.Ch đều có vài ngàn lượt xem, qua đó, người chủ tài khoản kêu gọi mọi người tặng sao, đọc số điện thoại để mời gọi mọi người liên hệ tư vấn như một cách để kiếm tiền.

Giải pháp nào?

Việc một số thanh đồng tự cho mình là hiện thân của thánh thần, con của thánh thần rồi dùng quyền lực tự phong để xúc phạm, công kích người khác, đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng về niềm tin và giá trị đạo đức trong cộng đồng. Những hành vi này không chỉ làm xấu đi hình ảnh thiêng liêng của tín ngưỡng mà còn khiến những người ngoài cuộc, có cái nhìn méo mó và thiếu thiện cảm về tín ngưỡng này.

Theo tiến sĩ, nhà báo, nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Quân - Phó Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đạo Mẫu Việt Nam: “Việc lạm dụng danh nghĩa thánh thần để nâng cao cái tôi cá nhân là một sự xúc phạm lớn đối với các đấng thiêng liêng. Điều này không chỉ gây tổn thương đến những người bị công kích mà còn làm tổn hại sâu sắc đến lòng tin của cộng đồng vào giá trị đích thực của tín ngưỡng thờ Mẫu. Thiết nghĩ, cần có những chế tài cụ thể hơn nữa để ngăn chặn sự lũng đoạn này”.

Hành vi công kích, xúc phạm công khai giữa các thanh đồng không chỉ gây tổn thương cá nhân mà còn làm rạn nứt tình đoàn kết trong cộng đồng tín ngưỡng. Những tranh cãi, bất đồng có thể kéo dài và biến thành mâu thuẫn nghiêm trọng, làm suy yếu sự gắn kết trong cộng đồng.

Một thanh đồng tại Hà Nội cho biết: “Thay vì đoàn kết để bảo vệ những giá trị văn hoá tốt đẹp, nhiều người trong cộng đồng lại bị cuốn vào những cuộc tranh cãi vô nghĩa, làm mất đi tinh thần tôn nghiêm vốn có của tín ngưỡng”.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng lộng ngôn trong cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là sự thiếu hụt các quy định và quy chế cụ thể về hoạt động trong tín ngưỡng này. Hiện tại, các hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu chủ yếu dựa vào Luật Tín ngưỡng tôn giáo, mà không có sự quy định rõ ràng và cụ thể cho từng nghi thức, vai trò, hay danh xưng. Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý, dẫn đến sự lạm dụng và tự phong danh hiệu một cách tùy tiện.

Để khắc phục tình trạng lộng ngôn trong tín ngưỡng thờ Mẫu, cần có những biện pháp cụ thể và quyết liệt từ cả phía chính quyền, cộng đồng tín ngưỡng và toàn xã hội.

Để ngăn chặn và giảm thiểu những hệ lụy của hiện tượng này, cần có sự can thiệp kịp thời và đồng bộ từ nhiều phía. Đầu tiên, việc nâng cao nhận thức về giá trị đích thực của tín ngưỡng thờ Mẫu là vô cùng quan trọng. Cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu cần được giáo dục về những nguyên tắc cơ bản của tín ngưỡng, nhấn mạnh vào sự tôn trọng và lòng thành kính.

Bên cạnh đó, các quy tắc ứng xử trong cộng đồng cần được thiết lập và tuân thủ một cách nghiêm túc. Những hành vi lạm dụng danh nghĩa thánh thần cần bị lên án và xử lý một cách nghiêm khắc, cả về mặt đạo đức lẫn pháp lý. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với cộng đồng tín ngưỡng để giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm.

Cần phát huy vai trò của các cộng đồng tín ngưỡng thờ mẫu (câu lạc bộ, bản hội…), nơi mà những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tuân thủ nghiêm ngặt các giá trị truyền thống và tôn trọng lẫn nhau. Những cộng đồng này có thể đóng vai trò là tấm gương sáng, lan tỏa các giá trị tốt đẹp, và đồng thời là nơi kiểm soát, phát hiện cũng như ngăn chặn kịp thời những hành vi sai lệch.

Việc tổ chức các buổi lễ hầu đồng lớn tại một số đền, phủ và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đề ra cũng sẽ góp phần định hình và duy trì những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Các cộng đồng này cần được hỗ trợ về mặt tổ chức, và có thể là mô hình để nhân rộng ra các địa phương khác, nhằm tạo ra một mạng lưới bảo vệ và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu trên toàn quốc theo đúng chuẩn mực của tín ngưỡng này.

 

Theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015:

- Người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

- Trong trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, những người bị xúc phạm có thể phải đối mặt với những tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Việc bị bôi nhọ công khai không chỉ gây ra áp lực tâm lý mà còn làm tổn hại danh dự và uy tín cá nhân, ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ của họ.