Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lòng thành của người dân xóm Bình Minh

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1/2/1902 - 1/2/2022), chúng tôi lại nhớ đến câu chuyện đi tìm phần mộ liệt sỹ Nguyễn Phong Sắc - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ tại Nghệ An và tấm lòng thành của người dân xóm Bình Minh, xã Đa Phúc, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 1/2/1902, tại ngôi nhà nhỏ ở làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trong gia đình giàu truyền thống yêu nước cách mạng. Cha của ông là cụ Nguyễn Đình Phúc tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907, sau đó bị địch bắt và đày đi Côn Đảo 5 năm.

Theo các tư liệu lịch sử, sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc trở thành một trong những đảng viên đầu tiên thành lập tổ chức Đảng ở trong nước tại số 5D Hàm Long. Ngày 21/7/1929, hội nghị Ban Chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng họp tại Bắc Ninh phân công Nguyễn Phong Sắc vào phụ trách Trung kỳ trực tiếp chỉ đạo cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Ngày 3/2/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Luận cương chính trị và bầu Ban chấp hành Trung ương chính thức. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Uỷ viên Trung ương Đảng và được phân công làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, trực tiếp chỉ đạo cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Đồng chí đã có mặt ở nhiều tỉnh của Trung kỳ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng...) để truyền đạt ý nghĩa của việc thành lập Đảng, phổ biến những nội dung cơ bản các văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Nhờ đó, các chi bộ cộng sản của Đảng ở Trung kỳ thống nhất trong nhận thức tư tưởng và hành động để liên kết với phong trào công nông cả nước.

Từ địa điểm khu mộ liệt sỹ Nguyễn Phong Sắc nhìn ra Cửa Hội
Từ địa điểm khu mộ liệt sỹ Nguyễn Phong Sắc nhìn ra Cửa Hội

Tháng 3/1931, sau khi dự hội nghị Trung ương lần II ở Sài Gòn, đồng chí ra Trung kỳ, tiếp đó ra Hà Nội, xuống Hải Phòng để phổ biến nghị quyết của Trung ương thì bị mật thám bắt tại khách sạn Nam Lai, gần Ga Hàng Cỏ, đưa vào Vinh giam cầm tra tấn dã man. Tháng 5/1931, địch đã lén lút xử bắn đồng chí tại đồn Song Lộc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, theo người dân tại Nghệ An kể lại, một đêm tháng 5/1931 tại làng Yên Dũng Thượng (thuộc phường Hưng Dũng, TP Vinh hiện nay), đồng chí Nguyễn Phong Sắc chủ trì cuộc họp bí mật với các cốt cán thuộc cấp, bất thình lình quân Pháp bao vây phong tỏa các đường ngang lối tắt, chúng bắt sống đồng chí và một số cốt cán Xứ ủy Trung kỳ. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị địch giam riêng tại đồn binh Song Lộc (nay thuộc xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc). Sau nhiều ngày tra tấn nhưng không moi được thông tin gì, ngày 25/5/1931 địch bắn đồng chí.

Về câu chuyện tìm mộ đồng chí Nguyễn Phong Sắc, cựu chiến binh Nguyễn Bá Trường (sinh năm 1949) quê làng Cổ Đan, nay thuộc xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, cháu nội của cụ Nguyễn Bá Phiếu, kể với chúng tôi. Từ 6, 7 tuổi, ông Trường đã nghe ông nội cho biết về ngôi mộ táng ở góc vườn sau nhà, không biết tên tuổi quê quán, chỉ biết là người của ta hoạt động bí mật bị địch bắn 4 phát đạn vào ngực, chúng đem thi thể đặt lên chiếc bè kết bằng thân cây chuối thả trôi ra biển. Cụ Nguyễn Bá Phiếu cư dân làng Cổ Đan là người phát hiện và an táng tại vườn nhà.

Theo thời gian với nhiều biến cố, con cháu cụ Phiến không ai về lại đất cũ, vì vậy, chuyện cũ cũng dần mai một với lớp người sau đó đến ở trên khu đất này. Đến nay ông Trường vẫn nhớ vị trí ngôi mộ do ông nội táng ở góc vườn, bao năm rồi chẳng thấy ai gặp hỏi nên hết con rồi đến thế hệ cháu của cụ Phiếu chẳng biết cung cấp thông tin này cho ai. Suốt mấy chục năm, mộ phần ông Nguyễn Phong Sắc bị thất lạc thành “vô danh”.

Sang thế kỷ 21, thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Phong Sắc từ Bạch Mai, Hà Nội phải 3 đợt nhờ thầy nhờ thợ “đáy bể mò kim”, xăm tìm suốt hơn 4 cây số chiều dài cát trắng dọc bờ tả Lam, cuối cùng xác định trong vườn nhà anh Hồ Văn Hồng ở xóm Bình Minh, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc.

Ngày 07/1/2004 (16 tháng Chạp năm Quý Mùi), đại diện Ban Tài chính Trung ương, Tỉnh uỷ Nghệ An, Huyện uỷ Nghi Lộc, thân nhân gia đình làm Lễ khởi công xây dựng khu mộ Liệt sỹ Nguyễn Phong Sắc, nguyên Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, hy sinh trong cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh 1930-1931.

Bí thư Chi bộ xóm Bình Minh Nguyễn Doãn Dục, anh Hồ Hồng và tác giả bài viết thắp hương khu mộ liệt sỹ Nguyễn Phong Sắc .(Ảnh chụp sau Lễ khởi công tôn tạo khu mộ năm 2004)
Bí thư Chi bộ xóm Bình Minh Nguyễn Doãn Dục, anh Hồ Hồng và tác giả bài viết thắp hương khu mộ liệt sỹ Nguyễn Phong Sắc .(Ảnh chụp sau Lễ khởi công tôn tạo khu mộ năm 2004)

                  ***

Tôi về quê gặp anh Nguyễn Doãn Dục – cựu chiến binh Biên phòng, Bí thư Chi bộ xóm Bình Minh. Anh Dục chia sẻ: “Làm Bí thư Chi bộ, chú là nhà báo hỏi về việc tìm mộ ông Sắc, chú là người làng tui mới nói những điều mắt thấy. Ly kỳ lắm chú ơi, nếu nhà báo khác tui không kể mô!”.

Anh Dục dẫn tôi qua nhà Hồ Văn Hồng (sinh năm 1962). Khi tôi đến thấy tốp thợ đang ốp đá lên bề ngoài phần mộ, tấm bia đá màu đen to bằng mặt bàn vừa chuyển về chưa kịp gắn vào vị trí. Chủ nhà hướng dẫn anh Dục và tôi thắp hương viếng mộ, sau đó vào nhà. Chừng ba tiếng đồng hồ tôi gợi hỏi để gia chủ thuật lại chuyện thật mắt thấy tay cầm mà như bịa, anh Dục ngồi chứng kiến.

Anh Hồ Văn Hồng sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời bần ngư tại làng Lộc Thọ xã Phúc Thọ, từ nhỏ được tiếp nhận những nét văn hóa gia đình, dòng họ phong phú, giàu bản sắc. Suốt mấy mươi năm, trước khi gia đình từ Hà Nội tìm vào đây xác định mộ ông Sắc, dù không biết gốc gác tên tuổi người nằm dưới ngôi mộ vô chủ, vợ chồng anh Hồng vẫn thường xuyên hương khói bằng tâm thành.

Bố đẻ anh Hồng là ông Hồ Khôi - tộc trưởng Chi họ Hồ làng Lộc Thọ, tới nay có 7-8 đời, ngôi nhà ngói ông Hồ Khôi vừa là chỗ ở của chục con người, vừa là nơi thờ phụng cụ tổ. Năm 1985, anh Hồng xin bố mẹ ra ở riêng, vợ chồng anh dạt qua xóm Bình Minh cách làng Lộc Thọ chừng nửa cây số tìm đất hoang hóa dựng túp lều tranh. Thời gian đầu tại khu đất hoang này chỉ có ngôi mộ cố Trung, kỳ giỗ chạp thường thấy con cháu ở xóm trong ra thăm nom hương khói.

Sau khi ông Hồ Khôi mất, anh Hồng là tộc trưởng kế nhiệm. Năm 1989 sau dịp mãn tang ông Hồ Khôi, Chi họ Hồ - Lộc Thọ quyết định di dời xây mới nhà thờ cụ Tổ Chi họ trong khuôn viên nhà vợ chồng anh Hồng ở xóm Bình Minh. Hôm làm lễ dời nhà thờ, Chi họ Hồ tổ chức Lễ cầu, cụ Tổ “về” chỉ dặn: Từ ngôi mộ cố Trung bước ra phía ngoài 7 bước, từ đó bước sang bên phải 1 bước, các con đắp lên đó một ngôi mộ!

Chi họ hội ý và giao vợ chồng anh Hồng làm theo lời cụ Tổ, từ đó trong vườn xuất hiện thêm ngôi mộ thứ hai. Từ khi đắp lên “ngôi mộ gió”, đến nay đã mười mấy năm, anh Hồng luôn trăn trở, không biết ngôi mộ bị thất lạc tự bao giờ, sao không thấy ai đến thắp hương? Vào các ngày lễ, tết hàng năm, vợ chồng anh Hồng tâm thành khói hương sưởi ấm người nằm dưới mộ.

Năm 2000 một nhóm người từ Hà Nội tìm đến nhà anh Hồng, trong nhóm ấy có một người đàn ông trạc tuổi anh hỏi: “Từ nhà anh nhìn về phía mặt trời lặn có ai bị tàn tật không? Về phía Bắc trước kia có ngôi đền lớn nào không? Gia đình về ở đây lâu chưa? Trong 2 ngôi mộ có ai nhận chưa?”.

Nghĩ người ấy còn trẻ nên không tin là thầy, anh Hồng trả lời cộc lốc: “Phía mặt trời lặn nhà tôi có một người bị tàn tật. Trước đây ở phía Bắc có toà điện Đông Hải nhưng nhân tai đã xoá sạch rồi. Nhà tôi về ở đây đã 15 năm, ngôi mộ sát nhà là mộ cố Trung người xóm trong, con cháu vẫn thường xuyên hương khói. Ngôi phía ngoài năm 1989 tôi tự đắp, chưa dám khẳng định là mộ thật hay mộ giả!”

            Ông ấy hỏi tiếp: - Căn cứ vào đâu anh đắp ngôi mộ tại đó?

Anh Hồng đành kể cho ông ta nghe việc di dời nhà thờ, việc cụ Tổ Chi họ Hồ “về” chỉ chỗ sai đắp ngôi mộ. Nghe xong người ấy nói: - Chúng tôi là con cháu của Liệt sỹ Nguyễn Phong Sắc từ Hà Nội vào tìm mộ, vị trí anh đắp bị lệch một mét.

Trong khi vợ chồng người cháu cùng nhóm người đi cùng soạn sửa đồ lễ thắp hương, ông ấy trải tờ giấy lên dãy mạn hảo lối ngoài cổng vào nhà, anh Hồng tò mò ngó xem họ vẽ cái gì trong đó. Anh giật mình, trong tờ giấy ấy người ta đánh dấu vị trí mộ ông Sắc, vị trí mộ cố Trung, vị trí cổng vào nhà anh, cả vị trí cổng vào hàng xóm nữa; lại còn ghi cách bao nhiêu mét về phía Tây có người tàn tật, cách phía bắc 300 mét vị trí ngôi đền, xa hơn là vị trí ông Sắc bị địch xử bắn sát bờ sông Lam cách mộ phần chừng 4 cây số. So với thực địa, sơ đồ vẽ khá chính xác. Qua trao đổi, anh Hồng được biết bản vẽ thực hiện đã khá lâu tại Hà Nội, lần theo bản vẽ giờ mới tìm vào đây.

Bữa đó rất đông bà con trong xóm, có cả ông Dục - Bí thư Chi bộ chứng kiến, mọi người nín thở dõi nhìn quá trình tìm mộ theo cách truyền thống và các định vị trí cạnh ngôi mộ do anh Hồng đắp trước đó. 

Viết về câu chuyện liên quan đế tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Phong Sắc, tôi muốn được cùng mọi người thấm đượm đạo lý uống nước nhớ nguồn, thay nén tâm hương tưởng vọng đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã dâng trọn đời mình cho độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân.