“Long thành diễn xướng” - Ấn tượng trên sân khấu chèo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối qua (16/1), sự kết hợp giữa chèo và rối nước trong chương trình mang tên “Long Thành diễn xướng”, đã để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả. Sân khấu Nhà hát chèo Hà Nội (15 Nguyễn Đình Chiểu) không còn một chỗ trống, tạo ra niềm tin mới cho chèo.

Kinhtedothi - Tối qua (16/1), sự kết hợp giữa chèo và rối nước trong chương trình mang tên “Long Thành diễn xướng”, đã để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả. Sân khấu Nhà hát chèo Hà Nội (15 Nguyễn Đình Chiểu) không còn một chỗ trống, tạo ra niềm tin mới cho chèo.

 
“Long thành diễn xướng” - Ấn tượng trên sân khấu chèo - Ảnh 1
Sâu khấu đa năng của "Long Thành diễn xướng"
Lâu nay, giữa chèo và rối nước có một mối liên hệ đặc biệt. Cùng được sinh ra từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chèo chính là phần âm nhạc, ngôn ngữ, tích truyện của rối nước. Các tích trong rối đều sử dụng các làn điệu, ngôn ngữ Chèo. Thường thì các nghệ nhận múa rối sẽ điều khiển con rối dưới hồ, ao nước. Còn dàn nhạc và nghệ sỹ hát chèo thì ngôi bên trên lồng tiếng và hát đế theo nhân vật và các hành động của con rối.
Ở dự án “Long Thành diễn xướng” của Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ thể hiện hình thức sân khấu đa năng, cả hai sân khấu đều trình diễn song hành (trên là sàn gỗ và dưới là hồ nước). Điều đặc biệt nhất của dự án này, chính là các nghệ sỹ chèo trực tiếp điều khiển con rối, vì thế nó mang lại cảm xúc rất thật, rất đời, rất ấn tượng.
Nếu trình diễn Rối nước thông thường, nghệ sỹ điều khiển rối riêng, nghệ sĩ hát lồng riêng, thì với Long thành diễn xướng, các nghệ sỹ của Nhà hát chèo trực tiếp hát, nói và tay thì điều khiển con rối để thể hiện hành động của nhân vật. Vì thế, mọi hỉ-nộ-ái-ố của các nhân vật được các nghệ sĩ trực tiếp thể hiện bằng giọng hát, giọng nói nên cảm xúc thật được truyền qua đôi bàn tay điều khiển đến con rối, vì thế khán giả có cảm nhận như chính những con rối đang khóc, cười, múa, hát thực sự.
“Long thành diễn xướng” - Ấn tượng trên sân khấu chèo - Ảnh 2
Buổi biều diễn của "Long Thành diễn xướng".
Đây chương trình diễn xướng nằm trong dự án bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống của Nhà hát chèo Hà Nội. Nghệ sỹ ưu tú Thúy Mùi - chỉ đạo nghệ thuật - Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Ngoài những vở diễn chuyên nghiệp về chèo ở rạp Đại Nam 89 phố Huế, chúng tôi muốn mang đến cho khán giả những món ăn tinh thần mới lạ, hấp dẫn. Việc kết hợp giữa chèo và rối nước là dự án được Ban lãnh đạo Nhà hát cùng các nghệ sỹ rất đồng tình và được cấp trên rất ủng hộ. Không chỉ giới thiệu cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến Hà Nội về nghệ thuật chèo mà còn giúp họ có những giây phút thư giãn, thoải mái khi được chứng kiến những màn rối nước vui nhộn, ý nghĩa được kết hợp trên cùng một sân khấu đa năng do các nghệ sỹ chèo đích thực trực tiếp trình diễn. Mô hình này cũng sẽ chinh phục được trẻ em khi xem rối sẽ được làm quen với chèo”.
Ngoài các tiết mục múa rối nước, kết hợp giữa chèo, thì dự án “Long thành diễn xướng” còn có những trích đoạn Chèo cổ như Thị Màu lên chùa, hát Xẩm, Chầu Văn Giá Cô bé thượng Ngàn, độc tấu nhạc cụ dân tộc… với sự tham gia của các nghệ sỹ chèo trẻ tài năng như NSƯT Ngọc Ánh, Văn Phú, tài năng trẻ Quốc Phòng, Hoài Thu, Lệ Quyên, Quỳnh Nga, Tiến Dũng và các nhạc công, diễn viên múa trẻ đẹp vừa tốt nghiệp tại trường Múa Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần