Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lòng tự trọng của trẻ là do cha mẹ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin này được đưa ra tại hội thảo Tâm lý học đường lần thứ IV xây dựng và quản lý chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở thực hành tâm lý học đường ở Việt Nam, diễn ra ngày hôm nay 14/8.

Chỉ 12,5% học sinh THCS có lòng tự trọng ở mức cao

Tại hội thảo, TS Trần Thành Nam - Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục thuộc ĐHQG Hà Nội và ThS Đỗ Thị Thảo - Bệnh viện Tâm thần Nam Định cho biết: 200 HS và phụ huynh 3 trường THCS ở Hà Nội là Phú Diễn, Hai Bà Trưng, Nguyễn Tất Thành được nghiên cứu về lòng tự trọng. Họ được điều tra bằng 3 công cụ nghiên cứu của chuyên gia tâm lý học của các trường ĐH Mỹ và Viện sức khỏe tâm thần quốc gia của Hoa Kỳ, đó là: Thang đo về lòng tự trọng; bảng hỏi về phong cách làm cha mẹ; bảng hỏi về hành vi làm cha mẹ.
Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet.
Kết quả thu về từ lòng tự trọng ở 200 HS THCS tương đối thấp. Cụ thể, lòng tự trọng ở mức thấp và trung bình chiếm đến 87% số lượng khách thể nghiên cứu. Số HS có điểm lòng tự trọng ở mức cao và rất cao chỉ chiếm 12,5%. Và, HS nam có lòng tự trọng cao hơn HS nữ.

Lòng tự trọng của con dễ bị tổn thương

Về mối tương quan giữa lòng tự trọng và phong cách hành vi làm cha mẹ, kết quả nghiên cứu cho thấy cha mẹ càng hành xử theo xu hướng độc đoán hoặc quá nuông chiều thì lòng tự trọng của trẻ càng thấp. Cụ thể, nếu cha mẹ ép buộc con cái làm theo ý mình hay sử dụng quyền lực với con, trừng phạt khi con không làm theo mong đợi; hoặc cha mẹ cho con tự do làm theo ý muốn, cha mẹ làm theo ý muốn của con, cho con tự quyết định mọi vấn đề đều ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ.  

Tình trạng hôn nhân của cha mẹ có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa lòng tự trọng và hành vi làm cha mẹ nhất quán. Những gia đình cha mẹ đơn thân hoặc đang ly thân, ly hôn có xu hướng ứng xử thiếu nhất quán hơn với con cái. Lòng tự trọng của các em ở trong những gia đình này cũng dễ bị tổn thương hơn. 

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lòng tự trọng và phong cách làm cha mẹ độc đoán không bị ảnh hưởng bởi các biến số như trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân và thu nhập bình quân. Thế nhưng, mối quan hệ giữa lòng tự trọng và phong cách làm cha mẹ độc đoán bị ảnh hưởng bởi học lực của trẻ. Đó là, nếu trẻ học kém hơn thì cha mẹ có thể sử dụng phong cách độc đoán nhiều hơn.

Từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đưa lại một số khuyến nghị đối với những người làm chính sách. Đó là nhà trường và các cơ quan quản lý nên có những biện pháp tuyên truyền giáo dục để giúp các em nâng cao lòng tự trọng, giảm thiểu sự phân biệt kỳ thị về giới hoặc thành tích học tập ở nhà trường. Cần thiết phải xây dựng và phát triển các chương trình tập huấn cho phụ huynh điều chỉnh phong cách hành vi làm cha mẹ phù hợp.

“Cha mẹ cần ý thức được rằng không chỉ phong cách làm cha mẹ độc đoán, kiểm soát chặt chẽ mới ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con mà việc nuông chiều thái quá và có hành vi không nhất quán trong ứng xử với các em cũng dẫn tới tổn thương lòng tự trọng’’-TS Trần Thành Nam khuyến nghị.