Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lớp học của thầy giáo viết chữ bằng miệng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù rất khó khăn nhưng hàng ngày người thầy khuyết tật ấy vẫn cần mẫn, lặng lẽ truyền dạy kiến thức, uốn nắn từng nét chữ, dạy những kỹ năng sống cho những học sinh của mình. Đó chính là anh Phùng Văn Trường, một người đầy nghị lực sống ở vùng quê ngoại thành Hà Nội.

Đến với lớp học của anh Phùng Văn Trường tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến A, Chương Mỹ , Hà Nội chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến một người thầy ngồi trên chiếc xe lăn đang tận tình uốn nắn từng nét chữ cho học trò của mình trong căn nhà cấp 4 gọn gàng, ngăn nắp.

Anh Trường, đặt đôi tay khoèo dưới cằm, cúi mặt xuống bàn, miệng ngậm chặt chiếc bút. Mẩu bút đưa lên đưa xuống khéo léo theo cử động cổ của anh, hiện lên những dòng chữ đều đặn trên cuốn vở ôli. Đám trẻ ngừng làm toán chuyển sang viết chính tả. Viết mẫu xong cho hai học sinh lớp 1, anh Trường quay sang hướng dẫn nhóm lớp 3 viết chính tả. Lớp học không đồng đều về trình độ nhưng trật tự và quy củ…

 
Lớp học nhỏ của thầy Trường luôn ngăn nắp và quy củ.
Lớp học nhỏ của thầy Trường luôn ngăn nắp và quy củ.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, anh Trường sớm chịu nhiều bất hạnh khi năm 2 tuổi chân, tay của anh bắt đầu teo cơ và yếu dần đi. Mặc dù sức khỏe yếu nhưng suốt những năm tiểu học và trung học, anh Trường chống nạng đến trường hoặc nhờ người thân hay bạn bè chở đi. Hết lớp 8, đôi tay teo hẳn, không cầm nắm được thứ gì, còn chân cũng không thể đi lại được nữa khiến anh phải ngồi xe lăn. Ham mê được cắp sách tới trường nhưng nhà nghèo lại không có ai đưa đi đón về nên anh đành nghỉ học khi học hết lớp 8.

Từ khi nghỉ học anh Trường sống khép mình hơn, không gặp gỡ chuyện trò với bạn bè, chỉ ngồi một mình ở nhà. Sau nhiều năm như vậy anh Trường bắt đầu suy nghĩ làm thế nào để sống tự lập, không dựa dẫm vào gia đình. Năm 2010, gia đình theo nguyện v
ọng của anh xây một căn nhà nhỏ gần mặt đường thôn và anh chuyển ra bán hàng tạp hóa. Chỉ bán những thứ hàng lặt vặt như gói muối, kẹo…nhưng ra đây tiếp xúc với mọi người anh cũng thấy cuộc sống đỡ tù túng hơn, vì được giao tiếp với nhiều người hơn.

Tuy nghỉ học đã lâu nhưng trong anh vẫn nhớ trường nhớ lớp, nhớ bài thầy giảng. Nhiều lúc xem vở của các cháu trong nhà, thấy các cháu viết chữ xấu và học kém, rồi những đứa trẻ m
ải chơi, anh cũng muốn kèm cặp thêm cho chúng nhưng bản thân còn chẳng cầm nổi bút. Từ ý định kèm cặp các cháu viết chữ đẹp hơn, anh nảy sinh tập viết. Nhưng muốn viết phải có bàn tay, nhưng điều đó đối với anh điều đó không còn. Chính vì vậy, anh quyết tâm tập viết bằng miệng.

Những ngày mới học viết, anh rất vất vả và khó chịu khi phải kẹp mẩu bút chì bé tẹo giữa hai hàm răng. Lúc đầu ngậm mẩu bút ngắn thấy dễ viết nhưng phải cúi xuống thấp, mắt nhìn lâu vào trang giấy trắng, anh bị hoa mắt, sợ ảnh hưởng đến thị lực, anh chuyển sang bút chì dài 20 phân, mặc dù đỡ lóa mắt hơn nhưng anh khó điều khiển hơn vì phải dùng nhiều lực. "Khi ngậm bút trong miệng  khiến tôi liên tục chảy nước miếng, nôn ọe. Cổ đau nhức vì không điều khiển được bút đưa lên đưa xuống. Chữ nguệch ngoạc, chán nản, tôi định bỏ cuộc nhưng xem tivi, nghe đài, thấy tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng chân, tôi lại cố gắng", anh Trường nói.

 Qua nhiều tháng trời mệt mài tập luyện những nét chữ từ miệng anh viết ra đã sáng sủa hơn, anh mới quyết định dạy viết chữ cho những đứa trẻ gần nhà. “Nhìn đám trẻ chữ viết c
ẩu thả, mình thấy bứt rứt, nên quyết định uốn nắn cho chúng”, anh Trường tâm sự. Lớp học của anh không có bảng đen, phấn trắng mà chỉ có một chiếc giỏ nhựa đựng sách giáo khoa và vở viết. Học sinh có thể đến học bất cứ lúc nào và bao lâu tùy thích. Mùa hè, lớp của anh thường có khoảng 20 cháu. Học sinh đến với anh có từ lớp 1 đến lớp 5. Không dừng lại ở luyện chữ, giờ đây, lớp học của anh còn giảng dạy những kiến thức về toán học, địa lý, xã hội và kỹ năng sống. Shọc sinh đến nhà anh mỗi ngày một đông, căn nhà nhỏ của anh luôn đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ. Nhìn những đứa trẻ ê a đánh vần, làm từng phép toán theo nét chữ của anh, anh thấy thật hạnh phúc.

 Và niềm hạnh phúc của anh được nhân lên gấp bội khi anh đã có một gia đình nhỏ. Trước đây anh chưa từng nghĩ mình sẽ lập gia đình vì anh luôn tự ti mình là người khuyết tật sẽ không ai yêu thương và chịu đến với mình. Thế rồi hạnh phúc cũng đã mỉm cười với anh, thương người đàn ông khuyết tật hiền lành, chị Hường chấp nhận vất vả và ngăn cản từ gia đình để về làm vợ anh. Hiện tại anh chị đã có một cậu con trai kháu khỉnh, đứa con được đặt tên là Phùng Thiên Trường Quảng như một lời cảm tạ ông trời đồng thời mang theo mong ước của anh chị về đứa con sau này biết vươn lên, sống tốt và giúp đỡ người khác.

Với phương châm sống “cuộc sống mà không hi vọng là cuộc sống vô nghĩa”, anh Trường vẫn mệt mài truyền lửa cho lớp học sinh của mình không chỉ qua những nét chữ mà còn qua cách sống, đạo đức con người. Anh luôn hi vọng qua những bài giảng, các em học sinh sẽ tự mình biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, sống có ích cho gia đình và xã hội.