Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lớp học về vùng “riêng tư”: Con hết ngại rồi cô ạ!

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Con mong muốn tới đây có những lớp học như thế này để trẻ em trên toàn đất nước Việt Nam có được nhiều điều bổ ích” – Nguyễn Danh Kiệt – học sinh lớp 5H Trường Tiểu học Dịch Vọng B chia sẻ.

Chiều nay 17/3, một lớp học “Giáo dục kỹ năng bảo vệ thân thể trước xâm hại tình dục” diễn ra tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B, quận Cầu Giấy. Khi buổi học mới bắt đầu, nhiều em học sinh lớp 4, 5 có cảm giác e ngại, thậm chí che miệng cười, khi chị Nguyễn Thị Song Trà – Sứ giả của dự án “Giáo dục giới tính – S Project” nói về học cách bảo vệ bản thân bằng việc thực hành một số kỹ năng cơ bản. 

 Học sinh phác họa cơ thể bé trai, bé gái và tô màu những vùng được cho là “riêng tư”

Tuy nhiên, sau khi chị Song Trà giảng giải mỗi bộ phận trên cơ thể chúng ta đều rất đáng quý, cần phải bảo vệ thì các em hiểu và cởi mở dần.

Lớp học được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm hơn chục bạn nam và nữ được giao nhiệm vụ vẽ phác họa cơ thể bé trai và gái vào một tờ giấy trắng khổ lớn. Các bạn tô màu khác nhau vào những bộ phận được coi là vùng “riêng tư” mà người khác không được đụng chạm vào nếu không được mình đồng ý.

Sau đó từng nhóm trình bày bức tranh trước lớp học. Các bạn cho rằng, vùng “riêng tư” đối với nữ là ngực, eo, bộ phận sinh dục; với nam là cũng là ngực, bụng, bộ phận sinh dục. Tất nhiên, mỗi nhóm đều đưa ra thông điệp bảo vệ “vùng kín” hay “riêng tư” của mình.

Rồi những tình huống xâm hại tình dục trẻ em đã được chị Song Trà và các cộng sự đặt ra. Các bạn học sinh được hướng dẫn và thực hành những động tác chống trả, để thoát thân nếu chẳng may gặp phải.
 Nói không với những tình huống bị cho là XHTD trẻ em

Thông qua từng bức tranh vẽ bé trai, bé gái có bàn tay vẽ thể hiện sự đồng ý hoặc không, các bạn học sinh học được bộ quy tắc PANTS: P – Private: không ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của các em, trừ một số người như bác sĩ, y tá, hộ lý hay bố mẹ.

A – Always remember your body belong to you: Không ai có quyền làm bất cứ điều gì đối với cơ thể khiến các em khó chịu. Nếu ai cố tình, cần biết nói “không”.

N – No means no: Các em có quyền nói “không” với những đụng chạm mình không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.

T – Talk: Những câu như “Đây là bí mật của hai chú cháu mình” thường của những kẻ lạm dụng khiến các em cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Các em đừng sợ, mà nói ngay cho người thân.

S – Speak up: Khi nào các em cẩm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, hãy lên tiếng với người các em tin tưởng, có thể như bố mẹ, chị gái, cô giáo,…
 Từng nhóm trình bày trước lớp về những vùng “riêng tư” trên cơ thể mà người khác không được chạm vào.

Sau buổi học, nhiều em học sinh cảm tháy rất vui và cho biết cảm thấy hết e ngại khi nói về những bộ phận trên cơ thể mình. Các em cũng rất mong muốn có nhiều buổi học như thế này, bởi rất có ích đối với mình. “Trước đây, chúng con chỉ được học giáo dục giới tính xuông, chứ không được chơi và có các hành động như thế này rất vui và thú vị lắm cô ạ. Khi xem những hình ảnh, chúng con biết nhận biết được các điều xấu về xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em và từ đó khuyên các bạn có những hành động chống trả” – Lê Trang Linh – học sinh lớp 5E chia sẻ.

Trong khi ấy, Nguyễn Danh Kiệt – học sinh lớp 5H tự tin nói: “Qua buổi học hôm nay, nếu gặp phải tình huống xấu ngoài đời, con có thể xử lý được. Lớp học trang bị các kỹ năng phòng chống XHTD trẻ em rất tốt vì từ trước đến giờ con chưa được biết về điều này”.

Kiệt cũng cho biết, ở nhà cậu được mẹ dạy cách vệ sinh “vùng kín”. Ở trường, khi dạy về giới tính, thầy cô luôn dặn học sinh cách phòng chống nếu bị kẻ xấu động chạm vào người cũng như không nên đi chơi ở những đoạn đường hay ngõ hẻm vắng vẻ.

Chia sẻ về việc dạy kỹ năng phòng chống XHTD trẻ em, cô Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng cho hay: “Giáo dục giới tính, vệ sinh các cơ quan sinh dục cũng như phòng chống XHTD trẻ em được được nhà trường lồng ghép trọng các môn như Khoa học lớp 5. Các tiết học tập thể, buổi học Đạo đức chúng tôi đều lồng ghép nội dung này vào”.

Và, trước vấn đề XHTD trẻ em có diễn biến ngày càng phức tạp, Trường Tiểu học Dịch Vọng B sẽ xây dựng những tiết học trang bị kỹ năng phòng chống XHTD thông qua những tiết hoạt động tập thể, sinh hoạt chuyên đề theo các khối. Sau đó, nhà trường sẽ thành lập một câu lạc bộ, có một số học sinh làm cốt cán cùng với cô giáo hướng dẫn tuyên truyền cho các bạn trong lớp.
 “Qua những buổi tư vấn như thế này, chúng tôi thấy, nhiều phụ huynh chưa hề nói chuyện và chia sẻ với con về giới vì cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm. Trong khi ấy, nhiều trường học vẫn còn thờ ơ, chú trọng học lý thuyết rất cao xa nhưng các em học sinh muốn tồn tại thì phải có kỹ năng sống. Hơn nữa, tâm lý của học sinh vẫn còn ngại ngùng khi nói về vùng “riêng tư”, nhưng sau khi được giải thích về các bộ phận cơ thể thì đã cởi mở chia sẻ.”- Nguyễn Thị Song Trà – Trưởng ban tổ chức Dự án “Giáo dục giới tính – S Project”.