Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Lột xác” cho đồng bằng sông Cửu Long với giải pháp chiếu sáng toàn diện

Việt Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/4, Sở Công thương TP Cần Thơ cùng Công ty CP Bóng đèn Điện Quang tổ chức hội thảo “Giải pháp chiếu sáng toàn diện - Đô thị thông minh cho đồng bằng sông Cửu Long".

Buổi hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Sở Công thương 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các chuyên gia trong lĩnh vực trên.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ, thảo luận giải pháp chiếu sáng toàn diệnđô thị thông minh, bao gồm: Giải pháp chiếu sáng thông minh khu vực công cộng (Outdoor); giải pháp cao ốc thông minh (Smart building), văn phòng thông minh (Smart Office), nhà thông minh (Smart home), ứng dụng thông minh cho nhiều lĩnh vực (bất động sản, du lịch, giáo dục, y tế, thể thao...).

Theo đó, quy hoạch đô thị thông minh, quản lý thông minh, cung cấp tiện ích thông minh chính là 3 trụ cột trong phát triển đô thị thông minh. Ba trụ cột này được Bộ Xây dựng xác định rõ tại Đề án Phát triển Đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Việt Hà.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Việt Hà.

Trong đó, khu vực ĐBSCL cũng chính là “địa hạt” quan trọng, đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức lớn để hoàn thiện mô hình đô thị thông minh tại khu vực này.

Trong kỉ nguyên cách mạng 4.0, đầu tư xây dựng các đô thị thông minh không chỉ là một xu thế, mà còn trở thành động lực mới cho sự phát triển của đô thị. Trên thế giới, rất nhiều đô thị thông minh đã ra đời và dần trở thành hình mẫu phát triển của nhiều quốc gia, điển hình như: New York (Mỹ), Dubai (UAE), Singapore, London (Anh), Amsterdam (Hà Lan),...

Đến nay, Việt Nam đã triển khai hơn 100 dự án thành phố thông minh và có đến 41/63 tỉnh thành đã xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Các dự án chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như: Hà Nội (20%), TP Hồ Chí Minh (30%), Đà Nẵng (24%)… Tuy nhiên, hầu hết dự án ở nước ta vẫn mang tính cục bộ, riêng lẻ, chất lượng chưa đồng đều nên chưa thể hiện được toàn bộ những hiệu quả ưu việt.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng, tạo sức ép lên các đô thị. Chính quyền đã nhanh chóng và quyết liệt để kịp ứng phó với tình hình mới; trong đó, có thể kể đến việc áp dụng công nghệ, các giải pháp thông minh để có thể vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBSCL có những lợi thế lớn nhưng lại chưa có những bước đi xứng tầm trong lộ trình phát triển các đô thị thông minh, sự phát triển của kinh tế và đời sống của người dân của vùng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Ông Hà Vũ Sơn – Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Việt Hà.
Ông Hà Vũ Sơn – Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Việt Hà.

Tại hội thảo, ông Hà Vũ Sơn – Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, ĐBSCL là vùng phát triển về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn nhất cả nước, có tiềm năng rất lớn về phát triển công nghiệp, du lịch và năng lượng tái tạo, môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện qua nhiều năm.

“Trong giai đoạn “Bình thường mới”, lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL đã có những chính sách phục hồi kinh tế, đẩy mạnh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các khu đô thị có ứng dụng các công nghệ hiện đại, kỹ thuật số. Trong đó, quy hoạch đô thị Cần Thơ theo hướng đô thị sông nước sinh thái, văn minh và hiện đại; là đô thị hạt nhân của vùng. Đặc biệt, thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị mới ở một số quận trong giai đoạn 2020 – 2025”, ông Hà Vũ Sơn thông tin.

Cũng theo Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Hà Vũ Sơn, lãnh đạo TP đã tích cực hoàn chỉnh nội dung phương án phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, nêu rõ quy hoạch đô thị thông minh, quản lý thông minh và cung cấp tiện ích thông minh là 3 trụ cột trong phát triển đô thị thông minh. Điều này đã được xác định tại đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030”.

Hiện tại, TP Cần Thơ đã phê duyệt kế hoạch định hướng “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng; đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển năng lượng phải phù hợp với phụ tải lưới điện của thành phố.

Nhiều giải pháp được đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đưa ra phân tích tại hội thảo - Ảnh: Việt Hà.
Nhiều giải pháp được đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đưa ra phân tích tại hội thảo - Ảnh: Việt Hà.

Ngoài mục tiêu phát triển nguồn năng lượng xanh, Cần Thơ cũng đang thực hiện xây dựng hệ thống chiếu sáng thông minh có khả năng kết nối trung tâm điều khiển sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu chung của chương trình và mục tiêu tiết kiệm năng lượng quốc gia cho giai đoạn 2019 – 2030.

Còn theo ông Phạm Lê Minh - Giám đốc Điều hành Khối IoT Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, trong thời gian tới, Điện Quang sẽ phát triển nhiều giải pháp công nghệ thông minh, hiện đại góp phần đổi mới toàn diện, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, xã hội mạnh hơn nữa tại khu vực ĐBSCL. Đồng thời, rút ngắn khoảng cách về công nghệ với các thành phố phát triển trong nước và trên thế giới.

“Các giải pháp được giới thiệu tại hội thảo sẽ giúp ĐBSCL giải quyết các vấn đề, ứng dụng giải pháp chiếu sáng, điều khiển thông minh trong phát triển các đô thị thông minh. Trong đó, Điện Quang sẽ đồng hành cùng 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tăng cường hợp tác nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ; cung cấp các giải pháp chiếu sáng nhằm tô điểm, làm đẹp cho công trình, đô thị theo hướng điều khiển, lập trình tự động hóa một cách thông minh”, ông Phạm Lê Minh chia sẻ.