Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa công bố thông tin mực nước thực đo trên các sông với nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là sông Hồng qua địa phận TP Hà Nội.
Theo đó, số liệu thực đo vào lúc 10h ngày 12/9 trên sông Hồng ở Hà Nội là 11,16m, dưới báo động 3 là 34m. So với kết quả đo 1 tiếng trước đó, mực nước trên sông Hồng ở Hà Nội đã giảm 2cm.
Trước đó, trong thời gian từ đêm 11/9 đến nay, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia liên tục cập nhập mực nước thực đo trên sông Hồng và các sông ở khu vực miền Bắc với tần suất 1 giờ/bản tin. Kết quả cho thấy, nước sông Hồng tại Hà Nội từ đêm qua đến nay đang chuyển biến tích cực theo hướng xuống chậm.
Cụ thể, số liệu thực đo lúc 3h và 4h ngày 12/9 cho thấy, nước sông Hồng tại Hà Nội là 11,30m, dưới báo động 3 là 20cm. Đây là thời điểm nước sông Hồng bắt đầu đứng (không lên, không xuống).
Đến 5h, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đo được là 11,26m, tức là giảm 2m so với 1 tiếng trước đó. Đến 6h, nước sông Hồng tiếp tục giảm 2cm, xuống mức 11,24m; lúc 7h và 8h là 11,22m; lúc 9h là 11,20m. Và mới nhất, kết quả thực đo lúc 10h trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,16m, dưới báo động 3 34cm.
Như vậy, trong thời gian từ 5h đến 10h ngày 12/9, mực nước trên sông Hồng biến chuyển theo hướng giảm chậm với cường độ khoảng 2cm/h (ngoại trừ lúc 8h mực nước sông đứng yên).
Đây là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh nhiều khu vực ven sông Hồng tại Hà Nội đang bị ngập sâu trong nước trong 2 ngày qua. Nguy cơ ngập lụt khu vực nội thành hiện có thể khẳng định là sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên, dù nước sông Hồng đang giảm chậm, cùng với việc nhiều sông lớn ở miền Bắc cũng đang biến đổi theo chiều hướng giảm nhưng nguy cơ lũ lụt vẫn còn hiển hiện. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra cảnh báo, trong 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3.
Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh/TP: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Ngoài ra, Tình trạng ngập lụt có thể xảy ra tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ là cấp 3.
Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu. ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng-Thái Bình – Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.