Sáng 2/5, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ 17, họp bàn 6 nội dung quan trọng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc và chỉ rõ những nội dung trọng tâm của hội nghị.
Trình 4 phương án chủ đề, 4 phương án phương châm Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, để chuẩn bị cho hội nghị quan trọng của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội hôm nay, trong thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng Thành ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị các Báo cáo, Tờ trình; đã trình xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và đã được tiếp thu, hoàn thiện để trình ra hội nghị.
Về dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị và chủ đề, phương châm Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP, Bí thư Thành ủy cho biết, Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ TP là một sự kiện chính trị rất quan trọng. Để chuẩn bị cho Đại hội, Thành ủy đã quyết định thành lập 3 Tiểu ban để tổ chức, phục vụ Đại hội.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, theo kế hoạch của Tiểu ban Văn kiện, dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị, chủ đề và phương châm Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố sẽ được trình xin ý kiến vào Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ TP (dự kiến tổ chức tháng 7/2024).
Tuy nhiên, căn cứ yêu cầu thực tiễn và để chủ động một bước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đại hội, Tiểu ban Văn kiện đã quyết định chỉ đạo bộ phận tham mưu khẩn trương xây dựng, xin ý kiến, tiếp thu và hoàn thiện để có Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị, chủ đề và phương châm đại hội trình tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 17 hôm nay (sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch).
Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị là tiền đề, cơ sở quan trọng trong việc xây dựng Đề cương chi tiết và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP.
Đối với dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến về bố cục, kết cấu của đề cương. Đồng thời tham gia ý kiến cụ thể vào các nội dung như: việc lựa chọn 14 lĩnh vực cơ bản để đánh giá những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra tại dự thảo Đề cương tổng quát đã đảm bảo tính bao phủ, phù hợp với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị. Việc xác định định hướng, tầm nhìn phát triển của Thủ đô trong thời gian tới…
Đối với chủ đề và phương châm Đại hội XVIII Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy cho biết, để tăng cường trách nhiệm và thuận tiện trong việc thảo luận, góp ý của các đại biểu, sau khi bàn bạc kỹ, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII xem xét 4 phương án về chủ đề và 4 phương án về phương châm Đại hội.
Từ đó, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu nghiên cứu, góp ý và thể hiện rõ quan điểm đối với các phương án do Ban Thường vụ Thành ủy trình để lựa chọn ra được 1 phương án về chủ đề và phương châm Đại hội nổi bật, tối ưu, đầy đủ nhất, đáp ứng được các yêu cầu đề ra: Bám sát các căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên quan trực tiếp đến Thủ đô Hà Nội; đảm bảo có tính kế thừa, tính hiệu triệu trong hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp; ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện; thuận lợi trong tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Công tác cán bộ ngày càng đổi mới, nền nếp
Về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ, nhằm giải quyết cho được những tồn tại, hạn chế về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với các nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kết quả 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết cho thấy, các mục tiêu của Nghị quyết đã đúng và trúng với yêu cầu đang đặt ra, công tác cán bộ bước đầu đã có sự chuyển biến rõ nét, ngày càng đổi mới, nền nếp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới. Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp ban hành các quy định, kế hoạch, đề án để cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được quan tâm khắc phục như đã nêu trong báo cáo.
“Với trách nhiệm là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, đề nghị các đồng chí đại biểu tích cực thảo luận, làm rõ thêm những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, tồn tại, những bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy và đặc biệt là đề xuất những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những giải pháp khắc phục hạn chế và những vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác cán bộ để có thể triển khai thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy”- Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Đối với nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ ngày 18/2/-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, qua đánh giá, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 35, Quy định số 11 của Bộ Chính trị và các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy luôn xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, qua đó đã cơ bản góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giảm khiếu kiện bức xúc trong dân.
Để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo báo cáo gửi Ban Nội chính Trung ương, căn cứ tình hình thực tiễn và với cương vị đứng đầu các địa phương, đơn vị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo báo cáo, trong đó, tập trung đánh giá các nhiệm vụ, giải pháp để làm tốt hơn “công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo” và “trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị” trên địa bàn thành phố và các kiến nghị, đề xuất với Trung ương.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên
Đề cập về dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 44-NQ/TƯ ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp, các ngành, nhất là lực lượng vũ trang trong toàn thành phố trên cơ sở tiếp thu những nội dung mới, cốt lõi và trọng tâm của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tiếp tục quán triệt, tích cực chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; thường xuyên kiểm tra, giám sát, báo cáo kịp thời, làm cơ sở để toàn Đảng bộ và Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội với vai trò là Thủ đô, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế; đồng thời cũng là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch tập trung chống phá với những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc.
“Nhận thức rõ vai trò và vị trí của Thủ đô Hà Nội như trên, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, xây dựng Chương trình hành động của Thành ủy để triển khai thực hiện Nghị quyết số 44 của Trung ương, bên cạnh việc bám sát các quan điểm, mục tiêu, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết, đồng thời bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp đặc thù, riêng biệt, phù hợp với địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội” - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu thảo luận, tham góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy, trong đó tập trung thảo luận, phân tích bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, nhất là đặc điểm tình hình của TP để thấy rõ những biến đổi sâu sắc, diễn biến phức tạp, khó lường và dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới để kịp thời bổ sung, phát triển một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và điều chỉnh, đề xuất những phương hướng, giải pháp cụ thể sát với tình hình thực tiễn với mục tiêu cao nhất là bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đạt những kết quả quan trọng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng cho biết, tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP sẽ tiến hành quy trình bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiêm chức đối với đồng chí Chánh Thanh tra TP.