Lựa chọn lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh: Chưa sát thực tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ngành hàng có thế mạnh về xuất khẩu nhưng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên giá trị gia tăng không cao, vì vậy việc xác định chính xác để lựa chọn những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao làm đầu tàu cho các ngành kinh tế khác gặp không ít khó khăn.

Hàng loạt ngành sẽ được ưu tiên phát triển

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm tới 95% nên năng lực cạnh tranh còn thấp, để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững cần xây dựng những DN, ngành hàng chủ lực. Chính vì vậy, Bộ Công Thương xây dựng Đề án: "Ưu tiên phát triển các DN thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2013 - 2020", trong đó sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ với 28 ngành hàng, lĩnh vực. Những ngành được lựa chọn sẽ được chú trọng đầu tư, từ đó đạt hiệu quả cao cả 3 mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường để làm động lực dẫn dắt thị trường.

Theo ông Hoàng Thịnh Lâm -Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), các lĩnh vực, ngành được coi là "có lợi thế cạnh tranh" phải đáp ứng được 7 tiêu chí như: Sử dụng lao động; Sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước; Được hưởng lợi nhờ các chính sách hội nhập; Có dư địa đầu tư lớn; Có nhu cầu trong nước lớn hoặc xuất khẩu tốt; Công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ phát triển; Chú trọng phát triển nền kinh tế xanh, có công nghệ trong nước phát triển, đảm bảo hài hoà giữa kinh tế - xã hội - môi trường.

Những DN được lựa chọn thực hiện đề án sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: Ưu tiên sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi (ODA), xem xét được hưởng thuế suất, Thuế thu nhập DN ưu đãi 15% và dành khoản tiền 300 tỷ đồng/năm cho hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ quản lý và hoạt động phòng vệ thương mại... qua đó, hỗ trợ các DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ thực tế thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng khi thực hiện hiệu quả lại không cao nên Đề án lần này tập trung ưu tiên hỗ trợ cho từng ngành hàng.

 
Chế biến nông sản xuất khẩu một trong những ngành mang lại giá trị gia tăng cao.Trong ảnh: Sản xuất đồ hộp xuất khẩu tại Khu công nghiệp Hapro. Ảnh: Hoài Nam
Chế biến nông sản xuất khẩu một trong những ngành mang lại giá trị gia tăng cao.Trong ảnh: Sản xuất đồ hộp xuất khẩu tại Khu công nghiệp Hapro. Ảnh: Hoài Nam
Đúng nhưng chưa “trúng”

Mặc dù số lượng các ngành hàng, lĩnh vực được Bộ Công Thương xếp vào danh sách có lợi thế cạnh tranh cao là khá lớn, nhưng thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh cho thấy, không phải tất cả các ngành hàng này đều có lợi thế như Bộ Công Thương mong muốn.

Theo ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, DN sản xuất ô tô, xe máy hiện chỉ làm một phần các chi tiết linh, phụ kiện, còn lại đều phải nhập khẩu nên tỷ lệ giá trị gia tăng thấp, nếu ưu tiên phát triển sẽ rất khó để tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, ngành cơ khí đang sản xuất phụ tùng cho nhà máy xi măng, hoá chất rất tốt, lại giúp giảm được nhập siêu thì không được ưu tiên phát triển.

Ông Lê Văn Khóa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung lĩnh vực: Gỗ, chế biến các sản phẩm từ gỗ và chế biến lương thực thực phẩm, bởi 2 ngành này không chỉ thỏa mãn các tiêu chí mà còn là lĩnh vực có khả năng cạnh tranh tốt, nhu cầu còn tăng, đồng thời mang lại giá trị gia tăng cao. Đồng tình với ý kiến này, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, việc đề xuất trồng lúa vào danh mục có lợi thế cạnh tranh là đi ngược với chủ trương tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, bởi trồng lúa càng làm càng lỗ, trong khi ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp đem lại giá trị gia tăng cao lại không được đưa vào danh sách.

Thực tế cho thấy, nhiều ngành hàng được cho là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử hay nông, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng lại phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, hoặc chỉ xuất các sản phẩm thô chưa qua chế biến. Rõ ràng, các ngành được lựa chọn chưa có sự phân tích đầy đủ cũng như cái nhìn toàn diện về thực trạng đã khiến việc lựa chọn chưa phù hợp với thực tế.

Đại diện nhiều đơn vị, DN cho rằng, Bộ Công Thương trong quá trình lựa chọn các ngành hàng, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh để hỗ trợ phải nhìn nhận rõ thực trạng của từng ngành để có những lựa chọn phù hợp. Nếu không làm như vậy thì mục tiêu cao nhất của Đề án là nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần