Lựa chọn nhầm...

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Vẫn biết rằng cuộc sống không bao giờ được như mình mong ước, nhưng mình chưa bao giờ nghĩ sự lựa chọn của mình lại sai lầm đến vậy” - chị, một cô giáo dạy giỏi, xinh đẹp, từng là niềm mơ ước của không ít đàn ông, giờ xanh như tàu lá, vừa gượng dậy được sau lần kiệt sức.

Chị nói chuyện với bạn bè đến thăm mà như tự vấn bản thân mình trước cuộc hôn nhân bất hạnh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ngay từ ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, chị đã là niềm mơ ước của không ít người. Bởi vậy, khách ra vào nhà chị khi ấy luôn là những chàng trai trẻ với đủ cách thể hiện tình cảm. Bố mẹ chị tôn trọng con, không can thiệp gì vào việc lựa chọn bạn của chị, chỉ mong chị tìm được người yêu thương mình thực sự để lấy làm chồng. “Thật khó nói được duyên số” - chị cười buồn. Bởi trong số những người từ kỹ sư, công chức, thậm chí cả giám đốc công ty… đến với chị, nhưng chị lại không ưng ai mà lại chọn một người mà theo chị khi ấy là dễ thương, hay hay. Anh không có gì đặc biệt, nhưng bù lại có vẻ ngoài khá bắt mắt, dáng thư sinh, lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ, hiền lành. Anh cũng chỉ học bình thường, thi đại học hai năm không đậu, nên vừa đi làm vừa học tại chức. Khi chị giới thiệu với gia đình, bố mẹ chị phản đối nhiều nhất, ông bà nhìn cái cách anh cư xử thiếu chân thật, sợ con mình sẽ khó hạnh phúc. Nhưng cũng không có lý do gì thật chính đáng để cấm nên đành chiều lòng con.

Chị kể câu chuyện đời mình sau hôn nhân như những thước phim chậm đầy nước mắt: Những ngày yêu trôi đi trong hạnh phúc, mọi chuyện chỉ bắt đầu đen tối sau ngày cưới không lâu. Về sống chung dưới một mái nhà, chị mới biết, đằng sau vẻ nhỏ nhẹ, mềm mỏng của chồng là một con người không dễ chịu. Con một nên anh ta rất hay hờn dỗi và làm nũng, trước kia hay làm nũng bố mẹ, giờ thì cả vợ. Anh không bao giờ đụng tay đụng chân vào việc nhà, tiền kiếm được đồng nào cũng nướng hết vào lô, đề, rồi còn tính đến cả chuyện chơi chứng khoán, mặc dù không mấy hiểu. Con người thật của anh ta quá đối nghịch với những gì chị từng biết, có nhiều lúc chị còn như thấy mình đang sống với ai chứ không phải người chồng mình đã lựa chọn. Bạn bè nhiều người bảo: “Sao chị không chấm dứt cuộc hôn nhân ấy đi”, chị buồn bã: “Nếu thế thì có lẽ mọi chuyện đã đơn giản hơn. Nhưng mình cứ nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến việc biết đâu thời gian sẽ làm thay đổi mọi chuyện”.

Nhưng hy vọng của chị lịm tắt khi chị sinh con gái đầu lòng, anh càng đổ đốn hơn. Anh càng thích tham gia những cuộc tiệc tùng nhậu nhẹt với đám bạn. Sau mỗi lần uống say , anh về nằm vật vã như đứa trẻ, rồi nôn oẹ đầy nhà, rên rỉ cả đêm bắt vợ phục vụ. Công to việc lớn trong nhà một mình chị phải gánh vác đã đành, thi thoảng thấy chị đi đâu về muộn hay có bạn bè đến chơi, anh lại gây chuyện. Chửi mắng chán, nhiều lần anh còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Cay đắng nhưng chị không dám kêu, bởi sợ bố mẹ buồn, sợ bạn bè, hàng xóm lời ra tiếng vào. “Buồn lắm, nhưng cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng” – chị thành thật. Mỗi khi về thăm bố mẹ, thấy con ngày càng rạc đi, bố mẹ hỏi thăm thì chị thường nói dối: Con nhỏ, khó ngủ nên không ăn được. Hỏi sao không thấy chồng đi cùng, chị phải nói chồng còn đang bận đi học thêm, để kiếm công việc tốt hơn. Rồi chị ít về nhà hơn, chị cũng thường lảng tránh những ánh mắt hỏi han của bố mẹ.

Chị chỉ không ngờ chính sự nhẫn nhịn quá của chị đã làm anh càng lên nước. Ngày lại ngày, sự mệt mỏi về thể xác, đau đớn về tâm hồn làm chị không còn sức để sống. Và hệ quả tất yếu là chị đã bị ngất vì kiệt sức ngay trên lớp học. “Cũng chính vì thế, bố mẹ mình mới biết chuyện” - chị bảo. Nhìn cảnh hai bố mẹ tất tưởi vào viện, rớt nước mắt nhìn con mình xanh xao vừa thoát khỏi cơn nguy hiểm mà chị như muối sát trong lòng. Không thể trả lời câu hỏi của bố mẹ, chị chỉ khóc. Chị biết mình đã sai ngay từ đầu khi chọn anh ta làm chồng mà chưa hiểu hết về anh ta, và càng sai lầm hơn khi cay đắng một mình hứng chịu những nỗi đau anh ta gây ra mà không tìm cách để phản kháng.

Nghe câu nói kết lại câu chuyện mà mừng cho chị: “Nằm trên giường bệnh, mình thấy mình đã đến lúc phải nghĩ đến quyết định cần thiết để giải phóng mình và cả đứa con tội nghiệp. Không thể sai lầm tiếp sai lầm nữa”.