Trong đó, phổ biến là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử; gian lận, trộm cắp trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán điện tử; trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng nhằm chiếm đoạt tài sản…
Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn nhằm che giấu hành vi phạm tội như sử dụng thông tin cá nhân giả để đăng ký tài khoản ngân hàng, thuê bao di động; rất nhiều tài khoản giả mạo, tài khoản ảo xuất hiện tràn lan; giao dịch bằng tiền ảo, tiền điện tử, sử dụng các ứng dụng giả mạo địa chỉ IP…
Trang thương mại điện tử Shopee từng cảnh báo trò lừa đảo thông báo trúng thưởng (nước hoa, phiếu mua hàng...) qua điện thoại dưới danh nghĩa Shopee. Nguy hiểm hơn, tội phạm trên không gian mạng còn giả mạo, tấn công vào cơ sở dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn đánh cắp thông tin, dữ liệu để lừa đảo người dùng.
Khi người dùng bị dụ dỗ truy cập vào IP giả mạo trên và click vào bất cứ nội dùng nào trên trang web như logo thì sẽ bị nhóm tội phạm mạng đánh cắp thông tin, sau đó đe dọa “phong tỏa” toàn bộ tài khoản ngân hàng cũng như nhiều thông tin cá nhân quan trọng khác nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tinh vi hơn nữa, các đối tượng tạo thành một nhóm cùng đưa ra những thông tin giả một cách ăn khớp với nhau, làm cho nạn nhân không thể biết được thông tin nào là thật, thông tin nào là giả. Đây là mối đe dọa an ninh đối với cá nhân, DN, các đơn vị, tổ chức và quốc gia.
Ngày 8/8, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng cảnh báo về việc gần đây, có hiện tượng một số website giả mạo đã sử dụng trái phép logo, hình ảnh nhận diện thương hiệu và thông tin hoạt động của đơn vị, kêu gọi huy động tiền và đầu tư chứng khoán trực tiếp với HNX.
Bộ Công an và Công an các tỉnh, TP thường xuyên cung cấp thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tin nhắn SMS để cảnh báo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Bên cạnh đó, đề nghị người dân nâng cao ý thức cảnh giác với loại tội phạm này. Nếu phát hiện hoạt động loại tội phạm trên, người dân nhanh chóng trình báo cho lực lượng công an gần nhất để kịp thời hỗ trợ, xử lý theo quy định.
Dù vậy, nếu chỉ dừng ở việc “cảnh báo” người dân là chưa đủ. Hệ thống mạng thông tin Việt Nam phát triển nhanh, nhưng hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu chủ động phòng, chống tội phạm mạng và bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia. Chưa kể hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin Việt Nam diễn ra nghiêm trọng, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp tổng thể, toàn diện.
Các bộ, ngành liên quan trong công tác xác minh, xử lý tội phạm; kịp thời có biện pháp phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ án. Việc hoàn thiện khung pháp lý phù hợp để có một chế tài đủ mạnh nhằm quản lý, giám sát, xử lý các hoạt động có liên quan đến lừa đảo công nghệ cao, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, góp phần bảo đảm an toàn cho thị trường tài chính là việc vô cùng cần thiết.
Xây dựng lực lượng chuyên trách đủ năng lực, chủ động đối phó với mọi nguy cơ xảy ra trên không gian mạng. Tăng cường hợp tác với các nước có trình độ phát triển cao về CNTT để đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu KHCN mới, học hỏi kinh nghiệm bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia...