Thể thao Việt Nam
Lửa thử vàng
Kinhtedothi - Hướng tới Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2025 (SEA Games 33), thể thao Việt Nam lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó mục tiêu chính là đứng top 3 SEA Games 33, có thể vươn lên vị trí thứ 2, xa hơn là mục tiêu tại Asiad và Olympic.
Tập trung cho SEA Games 33
Năm 2025, thể thao Việt Nam tham dự 3 Đại hội thể thao quốc tế lớn gồm Đại hội Thể thao mùa Đông châu Á vào tháng 2 tại Trung Quốc, Đại hội Thể thao trẻ châu Á vào tháng 10 hoặc tháng 11 tại Bahrain và SEA Games 33. Theo kế hoạch, SEA Games 33 sẽ diễn ra từ ngày 9 - 20/12/2025 tại 3 TP của Thái Lan là: Bangkok, Chonburi và Songkhla.

Tuyển Việt Nam trong niềm vui giành chức vô địch AFF Cup 2024. Ảnh: Ngọc Tú
Thông tin từ Ban Tổ chức, SEA Games 33 sẽ có 50 môn thi đấu chính thức với tổng cộng 569 bộ huy chương. Ngoài ra, SEA Games 33 còn tổ chức thêm 3 môn mang tính trình diễn là ném đĩa, kéo co (tug of war), thể thao trên không. Ba môn này có tổng cộng 12 bộ huy chương và không tính vào bảng thành tích chung của Đại hội.
Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 33, ngay từ cuối năm 2024 vừa qua, Cục Thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam (Bộ VHTT&DL) đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, bộ môn cùng các đội tuyển lập kế hoạch tập luyện, tập huấn chi tiết, đánh giá với từng vận động viên (VĐV). Năm 2025, thể thao Việt Nam có kế hoạch tập trung số lượng khoảng 4.045 VĐV các đội tuyển thể thao quốc gia và các đội tuyển trẻ cùng 647 huấn luyện viên (HLV), 29 chuyên gia. Để chuẩn bị cho SEA Games 33, Cục TDTT Việt Nam đã chọn 17 môn thể thao đầu tư trọng điểm từ năm 2025 bao gồm: bơi, bắn súng, bắn cung, boxing, cầu lông, cử tạ, điền kinh, đua thuyền, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, taekwondo, xe đạp, judo, vật (nhóm môn Olympic) và wushu, cầu mây, karate (nhóm môn Asiad). Việc xây dựng nhóm môn mục tiêu, đầu tư cụ thể nhằm hướng đến thành tích cao của đoàn thể thao Việt Nam.
Từ đầu năm 2025, các tuyển thủ đội tuyển quốc gia của 17 môn thể thao này đã được tập huấn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Bắc Ninh. Hiện Ban huấn luyện các đội tuyển đã lên kế hoạch chi tiết với mỗi VĐV, đề xuất tập huấn, tham dự các giải đấu cọ xát nhằm tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị cho SEA Games 33. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, khu vực ăn ở, sinh hoạt phục vụ cho các VĐV đều được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương đề nghị, trong quãng thời gian chuẩn bị cho kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực, các đội tuyển cần thường xuyên rà soát, đảm bảo nắm bắt chặt chẽ về thể lực, sức khỏe, tâm trạng... của các VĐV để xử lý kịp thời, tránh làm ảnh hưởng tới quá trình chuẩn bị cho SEA Games 33.
Hướng tới SEA Games 33, Cục TDTT đã bắt đầu tiếp cận phần mềm phân tích dữ liệu được giới thiệu từ đối tác của Pháp và sớm có tính toán phù hợp cho lộ trình rèn luyện cụ thể của từng đội tuyển, từng VĐV. Ngoài mục tiêu chính là SEA Games 33, thể thao Việt Nam phấn đấu giành từ 5 - 7 HCV tại các kỳ Asian Games, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic, đồng thời bóng đá nam đứng trong tốp 10 châu Á, bóng đá nữ đứng trong tốp 8 châu Á. SEA Games 33 cũng là lần đầu tiên 4 đội tuyển bóng đá của Việt Nam (đội tuyển U22 nam, đội tuyển nữ, tuyển futsal nam và futsal nữ) cùng thi đấu và đặt mục tiêu giành thành tích cao nhất.
Tầm nhìn dài hạn
Thể thao Việt Nam đã có 2 kỳ SEA Games liên tiếp đứng đầu, tạo ra tiếng vang lớn trong khu vực cũng như châu lục. Tuy nhiên, hình ảnh thăng hoa tại SEA Games lại trái ngược với Asiad và Olympic, tại hai đấu trường này thể thao Việt Nam đều “trắng tay”. Đây là hồi chuông báo động về chiến lược phát triển và đầu tư của thể thao nước nhà bởi mục tiêu lớn nhất vẫn là vươn tầm châu lục và thế giới.
Năm 2025 đánh dấu giai đoạn bản lề trong việc triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. SEA Games 33 chính là “phép thử” để đánh giá về chiến lược của thể thao Việt Nam. Cụ thể, trong chiến lược phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/10/2024, một trong những mục tiêu cụ thể được ghi rõ: “Thể thao thành tích cao duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ Asiad; trong đó phấn đấu đạt từ 5 - 7 HCV tại các kỳ Asiad, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic, bóng đá nam trong tốp 10 châu Á và bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á”.
Nhìn từ góc độ chuyên môn, các chuyên gia vẫn khẳng định, SEA Games là đấu trường để các VĐV thể hiện bản lĩnh, tài năng, mang về những chiến thắng vinh quang cho Tổ quốc. Dù kết quả ra sao, SEA Games vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt - nuôi dưỡng tinh thần quyết tâm, hun đúc ý chí chiến đấu của các HLV và VĐV nước nhà. Ở một khía cạnh khác, SEA Games không chỉ là một sân chơi thể thao, mà còn là cơ hội vàng để Việt Nam khẳng định hình ảnh con người, đất nước trước bạn bè khu vực.
Tuy nhiên, cũng nhìn từ Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, thứ hạng tại SEA Games 33 không phải là mối bận tâm lớn nhất của thể thao Việt Nam. Bởi mục tiêu trước mắt của thể thao Việt Nam là sự chuẩn bị cho Asiad 2026 tại Nhật Bản, sự kiện sẽ diễn ra chỉ 9 tháng sau SEA Games (dự kiến vào tháng 9/2026) và xa hơn là các kỳ Olympic. Khoảng thời gian từ SEA Games 33 đến Asiad là không quá dài để thể thao Việt Nam tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ, nhưng việc có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các giải đấu tiền Asiad như SEA Games 33 hay các giải quốc tế khác sẽ tạo “cú hích” mạnh trong việc hiện thực hóa các mục tiêu mà Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đề ra.
Để hoàn thành mục tiêu là điều không dễ dàng, ngoài những thuận lợi nhìn thấy thì thể thao Việt Nam vẫn đứng trước vô vàn khó khăn từ khách quan và chủ quan. Trong đó một thực tế, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ tập luyện, dinh dưỡng cho VĐV tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia còn nhiều khó khăn và chưa đồng bộ. Trong 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, chỉ có trung tâm tại TP Hồ Chí Minh được trang bị hệ thống phòng hồi phục sau tập luyện được coi là tạm được.
Trong khi đó, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để định lượng dinh dưỡng cho VĐV ở từng môn cũng chưa thể áp dụng do khó khăn cả về nguồn lực và nhân lực. Đội ngũ nhân viên y tế ở mỗi trung tâm không thể đáp ứng nhu cầu hồi phục, chữa trị của từng đội tuyển. Các trung tâm huấn luyện thể thao địa phương cũng gặp vô vàn khó khăn. Hiện tại, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội không có hệ thống phòng hồi phục sau tập luyện, đội ngũ nhân viên y tế chỉ có vài người phục vụ cho khoảng 3.000 VĐV…
Bên cạnh việc đi tập huấn, thi đấu quốc tế liên tục, trang thiết bị hồi phục tốt, chế độ dinh dưỡng phù hợp cho VĐV… là yếu tố tiên quyết để hướng tới thành tích cao và lâu dài. Từ năm 2025 - 2045, thể thao Việt Nam sẽ trải qua 5 kỳ Olympic, 6 kỳ Asiad và 11 kỳ SEA Games. Nhiệm vụ chuyên môn và giải pháp để hiện thực các mục tiêu thành tích là rất nhiều nên ngành thể thao phải đầu tư từng đối tượng phù hợp, nhóm môn trọng điểm để hiện thực khát vọng nâng tầm thành tích tại các đấu trường Asiad, Olympic.
Trích dẫn
Muốn thể thao Việt Nam phát triển thì phải đi từng bậc, từ khu vực, châu lục rồi ra thế giới. Không thể có sự nhảy vọt, phải có tập luyện kiên trì và nỗ lực thì mới đi lên được. Thắng thua trong thể thao là bình thường, ai cũng muốn thắng, không nên thấy thắng thì tung hô, thua thì phê phán, phải có sự chia sẻ, thắng không kiêu, bại không nản. Tiếp đến là chuẩn bị cho giải thể thao châu Á, phải đặt mục tiêu có nhiều huy chương. Đầu tư trên diện rộng nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực chỉ có vậy, phải tùy cơ ứng biến.

Hơn 1.300 giáo viên, nhân viên tranh tài tại Giải thể thao ngành GD&ĐT Hà Nội
Kinhtedothi – Ngày 19/4, 1.320 vận động viên xuất sắc là những cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường đại diện cho ngành GD&ĐT của các quận, huyện, thị xã và cụm trường trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội đã tham dự Giải thể thao cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT năm học 2024 – 2025.

Luật Thủ đô: tạo cơ chế phát triển thể thao nâng tầm quốc tế
Kinhtedothi - Điểm nhấn nổi bật trong Luật Thủ đô 2024 là các quy định về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; thể hiện rõ mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô trở thành "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", đặc biệt với những quy định về phát triển thể thao Thủ đô nâng tầm quốc tế.

Địa điểm lý tưởng cho các hoạt động thể dục, thể thao bên hồ Tây
Kinhtedothi - Trước những ảnh hưởng của bão Yagi, sự xuống cấp của khu vực vườn hoa Lạc Long Quân, quận Tây Hồ đã tổ chức chỉnh trang, cải tạo… để đưa khu vực này trở thành một địa điểm lý tưởng cho các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí vì sức khoẻ cộng đồng.