Với 7 chương, 43 điều, Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, việc bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của luật. Luật An ninh mạng quy định đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này. Trong đó, nêu ra tiêu chí xác định, lĩnh vực liên quan, quy định các biện pháp như: Thẩm định an ninh mạng, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát an ninh và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Luật An ninh mạng cũng quy định các hành vi bị cấm trên không gian mạng, như: Cấm thông tin sai sự thật gây hoang mang, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Luật cũng cấm tổ chức, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo huấn luyện người chống Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kiết toàn dân tộc. Đồng thời nghiêm cấm thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia…Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi - Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho biết, Luật An ninh mạng không cấm người dân Việt Nam truy cập vào các trạng mạng của facebook, google, youtube hay bất kỳ trang mạng nào khác ở trong và ngoài nước. Không những thế, Luật còn quy định các biện pháp bảo vệ về an ninh mạng cho người dân khi tham gia hoạt động trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, người nào sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.Theo Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi, quy định lưu trữ dữ liệu trong Luật An ninh mạng cũng không gây cản trở và khiến facebook, google rút khỏi Việt Nam. Việc lưu trữ dữ liệu người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam giúp các DN tiết kiệm chi phí kinh doanh, tăng mức tốc độ truy cập và nâng cao chất lượng dịch vụ; giúp các nhà mạng trong nước tiết kiệm kinh phí khi phải mua băng thông quốc tế. Về kỹ thuật, việc lưu trữ dữ liệu trong nước được tiến hành dễ dàng khi công nghệ cho phép, nhất là áp dụng công nghệ điện toán đám mây và các DN này đã có sẵn kinh nghiệm và thiết bị do áp dụng tương tự ở nhiều quốc gia khác.Ngoài ra, google, facebook đều đã thuê máy chủ tại nước ta. Thống kê sơ bộ, google đã thuê khoảng 1.781 máy chủ, facebook thuê khoảng 441 máy chủ tại 8 DN cung cấp dịch vụ trong nước. Có gần 50 triệu người Việt Nam sử dụng facebook và trên 60 triệu người Việt Nam sử dụng google. Có thể thấy, Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng và mỗi năm, các DN này đã thu lợi nhuận hàng trăm triệu đô la từ người dùng Việt Nam. Vì vậy, không có lý gì họ lại rời bỏ thị trường Việt Nam.