Luật Bảo vệ môi trường 2020: Tăng vai trò giám sát của nông dân

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Môi trường nông thôn hiện vẫn còn tồn tại nhiều bức xúc và sẽ đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn trước mắt cũng như lâu dài.

Vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, được nhận định sẽ là quy định pháp lý hữu hiệu để BVMT ở nông thôn hiện nay.
Cộng đồng cư dân là chủ thể bảo vệ môi trường

Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), trong Luật BVMT năm 2020, lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT. Cùng với đó, tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.
Luật đã bổ sung nguyên tắc hoạt động BVMT phải được công khai, minh bạch; quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường. Chủ trương của Nhà nước là khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, cung cấp thông tin về môi trường.
 Nông dân huyện Đông Anh, Hà Nội phun thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt. Ảnh: Công Hùng
Luật BVMT 2020 cũng quy định trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm Hội Nông dân trong việc vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân (khoản 7 Điều 75); tham gia các hoạt động BVMT, tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT (Điều 157, Điều 158).

Trao đổi xoay quanh vấn đề này tại hội thảo “Tăng cường sự phối hợp giữa Hội Nông dân các cấp với ngành TN&MT trong việc đưa luật BVMT vào cuộc sống” diễn ra ngày 21/12, đại diện Hội Nông dân một số tỉnh như Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh và các chuyên gia cho rằng, cần có đội ngũ chuyên gia của Bộ TN&MT xuống cơ sở (cấp tỉnh) đào tạo, trang bị kiến thức về môi trường, pháp luật cho hội viên Hội Nông dân. Có như vậy mới nâng cao được vai trò giám sát của nông dân trong BVMT.

Tăng cường công tác phối hợp

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết, nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững gắn với BVMT, từ 2015 - 2020, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã hướng dẫn, chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành xây dựng thành công hàng trăm mô hình điểm về thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý chất thải trong làng nghề, hầm khí biogas...
Tiêu biểu như mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn tại tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hoà Bình, An Giang, Long An; mô hình xử lý nước thải làng nghề tại tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình; mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Trị...

Ông Thào Xuân Sùng cũng thẳng thắn thừa nhận, công tác tham gia BVMT của các cấp hội vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là ý thức BVMT chưa thành thói quen, nếp sống của hội viên nông dân; còn tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước. Bên cạnh đó, một bộ phận hội viên, nông dân ở một số địa phương còn lúng túng, bị động, thiếu kinh nghiệm và trách nhiệm đối với cộng đồng trong phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai…

Theo các chuyên gia, xu thế dịch chuyển hoạt động sản xuất từ đô thị về khu vực nông thôn, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, cộng với nhu cầu hàng hóa gia tăng kéo theo tăng sử dụng lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp gây áp lực không nhỏ đến môi trường nông thôn.
“Vì vậy, Hội Nông dân cần tăng cường truyền thông vận động, tổ chức phong trào, xây dựng mô hình tự quản để nâng cao nhận thức về BVMT cho hội viên nông dân. Đồng thời thông qua phong trào và cuộc vận động để phát hiện những tập thể, cá nhân tiêu biểu tham gia BVMT” - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, TS Trần Văn Miều nói.

"Thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về môi trường trên địa bàn; tiếp tục định hướng cho các hội viên, tổ chức Hội Nông dân cấp xã phát triển các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm thấp, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cần nâng cao vai trò giám sát việc thực hiện Luật BVMT năm 2020; quan tâm đến việc tiếp nhận phản hồi, nguyện vọng của nông dân trong công tác BVMT." - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà


Theo thống kê, hoạt động nông nghiệp sử dụng hóa chất hàng năm khoảng 7,3 - 8,6 triệu tấn/năm; thuốc bảo vệ thực vật khoảng 110.000 - 150.000 tấn/năm, trong đó có khoảng 10% là bao bì thải bỏ.