Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) phải có tác động đảo ngược tình huống suy thoái, ô nhiễm môi trường

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 24/10, sau khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã giải trình, làm rõ một số vấn đề của Dự thảo Luật.

Thay mặt cho Chính phủ, cơ quan soạn thảo cùng với cơ quan chủ trì, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, chất lượng, khoa học, cụ thể, sát với thực tiễn của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng nêu rõ, đây là một bộ luật có phạm vi điều chỉnh rộng, có thể nói là tất cả mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội và liên quan đến người dân hết sức phức tạp và khó. Kể từ lúc trình bày dự thảo đầu tiên cho đến nay và qua hội nghị này, với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, cùng với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm định, Bộ trưởng cho biết, sự thống nhất, sự đồng thuận là cao, những ý kiến khác biệt đã thu hẹp lại.
 Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình một số nội dung
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, môi trường hiện nay đang có xu thế bị suy thoái và ô nhiễm nghiêm trọng. Bởi vậy, mục đích của luật này phải tác động vào để chất lượng môi trường phải đảo ngược tình huống hiện nay là ô nhiễm môi trường và suy thoái môi trường ở mọi nơi, mọi lúc. Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, bộ luật này phải tạo ra những đột phá cần thiết. Chúng ta nói nhiều và nhiều lần sửa luật nhưng chưa bao giờ tạo ra một bộ luật để các quy định không tản mạn trong nhiều luật, ảnh hưởng đến tính đồng bộ và thống nhất.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam đã hội nhập, bộ luật này cũng phải hội nhập về vấn đề các quy định, chính sách, quy chuẩn và phải có sự thống nhất chung trong vấn đề thực hiện. Bộ luật này phải góp phần quản lý thực chất, đi vào thực chất từng mục tiêu, đối tượng quản lý, thay bằng việc quản lý từ nhận thức cho chuyển hóa được thành hành động thực chất. Phải thông qua bộ luật này để giải quyết vấn đề cải cách các thủ tục hành chính, để tinh gọn nhưng đạt được hiệu quả, giảm các khó khăn và chi trả về triển khai thực hiện pháp luật của người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, cần giải quyết cải cách thủ tục hành chính, khi nhiều dự án nếu dựa vào quy mô dự án và đầu tư công thì có nhiều loại dự án, thực tế không có tác động môi trường, không có chất thải. Như vậy, việc mạnh dạn tiếp thu ý kiến Quốc hội thì Chính phủ đã tiếp thu, cơ quan soạn thảo cũng đã có ý kiến chính thức, thống nhất với ý kiến của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội là thay đổi phương án theo phương án 1 sang phương án 2. Những vấn đề khó khăn như: vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm; chất lượng phân bón thì trong các Bộ, ngành của Chính phủ cũng rất khó khăn khi đưa ra mối quan hệ này, nhưng để làm cách mạng, để dân chủ và khoa học thì cơ quan soạn thảo đưa ra Quốc hội để lấy ý kiến 2 phương án.
Đối với một số ý kiến khác, như nói về vấn đề di sản thiên nhiên, vấn đề liên quan đến các thẩm quyền, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo đã ghi chép rất cẩn thận, những vấn đề về mặt kỹ thuật, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu một cách xác đáng để tham mưu cho các cơ quan liên quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hoàn thiện để báo cáo với mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét để quyết định việc cần thiết để ban hành bộ luật này sớm. Đối với một số chính sách mới, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, chúng ta nên có quyết tâm, khẳng định vai trò, trách nhiệm của nhà nước sẽ đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt để thực hiện chính sách này. Bởi nếu không có sự đầu tư chủ đạo và những vấn đề cần thiết như ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu thì những vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính, điều kiện thực thi bộ luật cũng khó có khả năng triển khai./.