Luật cần bảo đảm các điều ước quốc tế không trái pháp luật Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/3, Quốc hội đã thảo luận về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến các ĐB Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho sửa tên Luật thành "Luật Điều ước quốc tế" để đảm bảo tính khái quát, ngắn gọn, phù hợp với thực tiễn tên gọi các luật trong nước và pháp luật quốc tế về điều ước quốc tế.
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII

Cho ý kiến về Dự án Luật, nhiều ĐB cho rằng, vừa qua Việt Nam đã ký kết rất nhiều điều ước quốc tế, nhưng nội dung của những điều ước này còn nhiều điểm xung đột với pháp luật Việt Nam, do đó cần xem xét, xác định rõ vị trí của điều ước quốc tế trong mối tương quan với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. ĐB Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) nêu: “Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá… đều liên quan rất nhiều đến các điều ước quốc tế và có nhiều điểm mâu thuẫn. Như theo Công ước ASEAN, để được cấp chứng chỉ hành nghề y dược phải thi đầu vào và chứng chỉ có thời hạn 5 năm. Luật của Việt Nam khi đưa ra Quốc hội thì Quốc hội cho rằng như thế là thủ tục hành chính quá rườm rà nên không chấp nhận quy định như vậy.

Theo nhận xét của ĐB, “sự cồng kềnh của nền hành chính đã làm triệt tiêu nhiều quy định tiến bộ”. ĐB Nguyễn Văn Tiên đề xuất, trước khi ký kết các điều ước quốc tế, Chính phủ cần rà soát, chỉ rõ những vấn đề khác với luật Việt Nam và xin ý kiến ĐB Quốc hội bằng phiếu (trong thời gian Quốc hội không họp), có giải trình cụ thể. Một số điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu thì khi thẩm tra Ủy ban Đối ngoại cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội. 

ĐB Hoàng Thanh Tùng (đoàn Sóc Trăng) nhận xét: Quy định của Dự Luật là điều ước quốc tế không được trái Hiến pháp và ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế quy định khác nhau về cùng một vấn đề. Như thế có thể hiểu điều ước quốc tế dưới Hiến pháp nhưng trên luật, cho dù không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm cả Hiến pháp, nên sửa lại "trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trừ Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế".

Một số ĐB cho rằng, Dự Luật đã quy định trình tự cụ thể đối với loại điều ước quốc tế trình ra Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập, từ bỏ, chấm dứt, rút khỏi điều ước quốc tế. Tuy nhiên có hai loại nội dung Dự Luật không quy định quy trình, thứ nhất là khi trình Quốc hội chấp nhận hoặc phản đối, bảo lưu và việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó cần thiết bổ sung thêm quy định này trong Dự Luật.

Dự án Luật này sẽ được tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần