Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật còn kẽ hở, khó chống hàng giả

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù lực lượng chức năng đang tích cực ngăn chặn các đường dây, ổ nhóm sản xuất hàng giả quy mô lớn nhưng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp thực tế đang là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, tiếp tục vi phạm.

Hàng giả có mặt ở mọi phân khúc

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại (BCĐ 389) TP Hà Nội, trong tháng 8/2021 lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 2.184 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu nộp ngân sách gần 285 tỷ đồng. Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 22 - Cục QLTT Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh tại C34 Khu đô thị Embassy Garden (Bắc Từ Liêm) đã phát hiện 17.100 chiếc khẩu trang 3M do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M được bảo hộ tại Việt Nam.
 Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra siêu thị MM Mega Market.
Thực tế cho thấy, trước đây hàng giả chỉ xuất hiện ở phân khúc các nhãn hiệu cao cấp nhưng nay những mặt hàng bình dân cũng bị làm giả. Đội trưởng Đội QLTT số 8 - Cục QLTT Hà Nội Trương Bình Minh cho hay, kiểm tra tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm) không chỉ phát hiện một số cửa hàng bán sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Elvis mà các mặt hàng Việt Nam bình dân như áo chống nắng thương hiệu Laroma cũng bị giả mạo nhãn hiệu.

Đánh giá về tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng chia sẻ: "Từ đầu năm đến nay, khi TP Hà Nội tập trung chống dịch Covid-19, các đối tượng sản xuất hàng giả gia tăng về quy mô, số lượng, diễn ra ở nhiều mặt hàng, lĩnh vực. Để qua mắt lực lượng chức năng, hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó chuyển bán sang địa phương khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm".

Hàng giả, hàng nhái có mặt ở rất nhiều phân khúc từ quầy hàng tạp hóa tại các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, vào siêu thị, trung tâm thương mại... “Hiện nổi lên tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ, nhãn mác "Made in Vietnam" ảnh hưởng đến uy tín DN, gây thiệt hại cho người tiêu dùng” - Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục nói.

Khoảng trống pháp lý

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến lực lượng chức năng chưa đánh trúng đường dây sản xuất, kinh doanh hàng giả quy mô lớn là do một số quy định pháp luật chưa thật sự chặt chẽ, chưa có chế tài xử phạt nghiêm để răn đe. Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ, các cá nhân, tổ chức bán hàng xách tay có thể bị phạt từ 100 - 200 triệu đồng. Quy định là vậy nhưng chỉ có thể răn đe được những đối tượng bán hàng công khai, còn khi họ kinh doanh qua mạng xã hội thì khó xử lý bởi không dễ xác định được hành vi vi phạm. Đồng tình với ý kiến này, Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 T.Ư Đàm Thanh Thế nêu rõ, việc xử lý xâm phạm quyền và giả mạo sở hữu trí tuệ còn bất cập khi chưa có hướng dẫn cụ thể về quy mô thương mại; các vụ việc tái phạm trị giá hàng hóa vi phạm dưới 200 triệu đồng không thể xử lý hình sự… dẫn đến các đối tượng lợi dụng cố tình tái phạm bởi chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trong khi đó, thủ tục khiếu nại, tố cáo sản xuất, buôn bán hàng giả còn khá phức tạp, tốn kém thời gian, tiền bạc nên nhiều DN biết hàng hóa của mình bị làm giả nhưng ngại tố cáo. Do đó, để đẩy lùi hàng giả, làm trong sạch thị trường đòi hỏi các cơ quan quản lý phải sửa đổi, thống nhất các quy định, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho lực lượng chức năng kiểm soát tốt thị trường. Cùng với đó, DN trong nước cần mạnh dạn thông tin những hành vi sản xuất hàng giả để các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

"Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định chi tiết về quy mô thương mại, gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là quy mô thương mại và tiêu chí, cách thức đánh giá, xác định mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý." - Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục


"Hiện nay, có khoảng 35 văn bản quy định về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... nhưng nhiều văn bản không trùng khớp nhau, có tình trạng “đá nhau” gây khó khăn cho cơ quan chức năng và chưa tạo được sức răn đe đối với các đối tượng phạm tội." - Trưởng bộ môn Quản trị Thương hiệu - Đại học Thương mại PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh