Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Đầu tư (sửa đổi) có nhiều quy định chưa cụ thể

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (13/6), các đại biểu Quốc hội (ĐB QH) thảo luận ở tổ về Luật Đầu tư (sửa đổi); dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Nhìn chung, Dự thảo sửa đổi đã có tiến bộ trong việc đơn giản thủ tục hành chính là chỉ áp dụng thủ tục đăng ký đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện...
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (tổ Hà Nội) phát biểu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (tổ Hà Nội) phát biểu ý kiến thảo luận.
Qua thảo luận, các đại biểu đều cho rằng, việc ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) là cần thiết, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh; tạo hành lang pháp lý, môi trường ổn định, tin cậy, an toàn và hấp dẫn; tăng cường thanh tra, giám sát, phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương; thay đổi mạnh mẽ các hoạt động đầu tư do yêu cầu hội nhập sâu rộng và tuân thủ thông lệ quốc tế;…

Tuy nhiên, theo nhiều ĐB một số quy định liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong Luật Đầu tư (sửa đổi) mới dừng ở bước nguyên tắc, chưa được xác định cụ thể để làm cơ sở phân định cụ thể quyền lợi của nhà đầu tư. “Quy định về lĩnh vực cấm đầu tư, lĩnh vực đầu tư có điều kiện, địa bàn ưu đãi đầu tư chưa được quy định cụ thể, mang tính nguyên tắc, rất khó khăn cho nhà đầu tư xác định cơ sở pháp lý cụ thể, ổn định lâu dài khi muốn tham gia đầu tư tại Việt Nam” - ĐB Nguyễn Phi Thường ý kiến.

Ngoài ra, theo ĐB Thường, trong cơ chế giải quyết tranh chấp trong đầu tư bằng hình thức trọng tài, dự thảo chưa quy định cụ thể về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý Nhà nước bằng trọng tài, dẫn đến rất khó khả thi trong thực tế. Vì vậy, dự thảo nên quy định cụ thể về cơ chế giải quyết tranh chấp nhà đầu tư và  cơ quan quản lý nhà nước bằng trọng tài, trong đó quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cùng nhà đầu tư lựa chọn trọng tài khi nhà đầu tư đề nghị giải quyết tranh chấp theo cơ chế trọng tài.

Về tính thống nhất của luật, ĐB Đào Văn Bình đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, phân tích đầy đủ những nội dung quy định của các luật khác liên quan đến đầu tư để đề xuất điều chỉnh, sửa đổi hoặc thay thế. Kiến nghị Chính phủ xem xét tổng thể trong chương trình xây dựng luật và nghiên cứu trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện kèm theo để sớm có thể áp dụng thực hiện, tránh tình trạng không thể áp dụng luật do phải chờ nghị định.

Bên cạnh đó, về ưu đãi đầu tư các đại biểu cho rằng trong dự thảo Luật quy định chưa thực sự phù hợp. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu chỉnh sửa dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) theo hướng chỉ nên liệt kê các hình thức ưu đãi mà không đi vào cụ thể các nội dung ưu đãi để nhà đầu tư tham khảo. Dự thảo Luật phải đảm bảo tổng hợp tất cả các loại ưu đãi đầu tư hiện có, để nhà đầu tư có thể dựa vào Luật Đầu tư biết và tìm hiểu các loại ưu đãi đầu tư mình có thể được hưởng.

“Điều 6, khoản 2, điểm b quy định về địa bàn ưu đãi đầu tư là: Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Theo tôi, không nên tách riêng khu công nghiệp như quy định của dự thảo. Vì theo quy định hiện hành tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, khu chế xuất, khu công nghiệp được gọi chung là khu công nghiệp. Về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ ưu đãi đối với khu công nghiệp, không áp dụng với khu chế xuất. Kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định để thống nhất với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp” - ĐB Nguyễn Minh Quang cho biết.

Ngoài ra, các ĐB cũng góp ý dự thảo luật vẫn còn nhiều quy định chung chung và thiếu minh bạch; cần làm rõ hơn khái niệm nhà đầu tư nước ngoài; sắp xếp, thống nhất lại các hình thức đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; thủ tục đầu tư; việc điều chỉnh, tạm ngừng và ngừng hoạt đọng của các dự án đầu tư; thẩm quyền quyết định đầu tư nước ngoài…

Cũng trong sáng nay (13/6), các đại biểu đã thảo luận ở tổ về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.