Gia nhập thị trường tiếp tục thuận lợi
Luật DN 2020 đã có một bước tiến đáng kể khi quy định bỏ hoàn toàn TTHC liên quan đến con dấu của DN; cho phép DN sử dụng con dấu số, đăng ký DN thực hiện hoàn toàn trên môi trường số...
Cụ thể, Luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định DN có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống”; Thiết lập cơ chế đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.
Theo Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh, việc này sẽ giảm thiểu sự tiếp xúc của DN với các cơ quan quản lý kinh doanh, từ đó sẽ rút ngắn thời gian đăng ký DN đồng thời giảm thiểu các chi phí không chính thức. Bên cạnh đó, việc bỏ các thủ tục thông báo mẫu dấu, cho phép DN sử dụng dấu “số” là một bước tiến lớn, giảm bớt phiền hà cho DN.
Sản xuất cánh tà máy bay tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng |
Liên quan đến con dấu, theo ý kiến một DN việc này cần được triển khai sớm “Thực chất, người đại diện hợp pháp của DN mới là người thay mặt, nhân danh DN đó ký các giấy tờ giao dịch với chủ thể khác, tạo sự ràng buộc pháp lý của giấy tờ giao dịch đó đối với DN mà người ký nhân danh. Nói cách khác, đã có chữ ký của người đại diện hợp pháp của DN thì đồng nghĩa với văn bản đã ký đó phát sinh giá trị pháp lý ràng buộc DN".
Bên cạnh các nội dung trên, luật cũng quy định DN thành lập mới chỉ cần quy định thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài vào ngày 30/1 của năm kế tiếp. Đồng thời giám sát việc thực thi quy định đối với thủ tục in hóa đơn và thông báo phát hành cần bảo đảm đúng thời hạn 4 ngày hoặc thủ tục mua hóa đơn bảo đảm giải quyết ngay trong ngày.
Kỳ vọng cải thiện chất lượng doanh nghiệp
Sứ mệnh của Luật DN 2020 là tạo nên sự thay đổi trong quản trị công ty. Lâu nay, quản trị DN ở Việt Nam còn không ít hạn chế. Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, những vụ việc tranh chấp nội bộ gần đây trong ngành cà phê; một số vụ án trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính đều có một nguyên nhân rất lớn từ quản trị DN yếu kém; Nhiều DN có vẻ “hoành tráng” nhưng khi kiểm toán, công khai báo cáo tài chính thì hoàn toàn khác.
Hoặc như tình trạng các cổ đông thiểu số dành dụm tiền góp vào công ty, song lợi ích của họ lại bị các cổ đông lớn hưởng hết. “Điều này bắt nguồn từ chất lượng quản trị của các DN cổ phần Việt Nam là rất thấp, do các đơn vị này chủ yếu xuất phát từ DN Nhà nước cổ phần hóa hoặc DN mang tính chất gia đình” - ông Tuấn nói.
Luật DN 2020 quy định chặt chẽ hơn, minh bạch và rõ ràng hoạt động kinh doanh của DN. Đơn cử, Luật quy định rất chặt chẽ đối với huy động vốn, nhất là những trường hợp liên quan đến phát hành trái phiếu trên thị trường gắn với pháp luật về chứng khoán. Luật mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ. Đồng thời, bổ sung các quy định về quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế tốt về quản trị DN. Trước đây quy định nhóm cổ đông sở hữu ít là 10% và liên tục trong 6 tháng nhưng luật mới đây hạ xuống 5%. Điều này giúp hạn chế tình trạng lạm quyền, khống chế của những cổ đông lớn.
Luật nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với DN mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại DN: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình DN…
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Phan Đức Hiếu, một trong những người trực tiếp chắp bút cho Luật DN 2020 nói: Nghiên cứu của CIEM, có sự liên quan giữa quản trị DN tốt và hiệu quả hoạt động. Nhóm công ty có điểm quản trị công ty cao nhất cũng là nhóm có hiệu quả hoạt động tốt nhất. “Với những quy định chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả quản trị DN theo chuẩn mực quốc tế, tôi tin tưởng chất lượng quản trị DN sẽ được nâng lên” - ông Hiếu kỳ vọng.