Luật hộ tịch nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/6, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự án Luật hộ tịch, báo cáo thẩm tra dự...

Kinhtedothi - Chiều 4/6, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự án Luật hộ tịch, báo cáo thẩm tra dự án Luật hộ tịch; Tờ trình dự án Luật căn cước công dân; báo cáo thẩm tra dự án Luật căn cước công dân; Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam; báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam.

Theo báo thẩm tra của Ủy ban pháp luật Quốc hội, hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết, liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân. Do đó, làm tốt công tác hộ tịch là tiền đề quan trọng để bảo đảm cho người dân thực hiện quyền cơ bản và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời để các cơ quan nhà nước thực hiện công tác quản lý dân cư và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Dự án Luật hộ tịch được xây dựng trên cơ sở kế thừa nhiều quy định hiện hành của pháp luật về hộ tịch, đã được thực tế kiểm nghiệm phù hợp, áp dụng ổn định để đưa vào Luật; đã đưa ra nội dung mới, có tính đột phá trong quản lý hộ tịch, như việc áp dụng Số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nội dung dự thảo Luật đưa ra các quy định nhằm tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đổi mới trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; làm được như vậy sẽ tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền của mình, từng bước giảm bớt các loại giấy tờ không cần thiết, nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý nhà nước về hộ tịch. Nội dung dự án Luật cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự, Luật tổ chức HĐND, UBND và các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.

Ủy ban pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Luật và nhất trí với nhiều nội dung của dự án Luật hộ tịch nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp về quyền công dân, quyền con người, phù hợp với lộ trình đã được đặt ra để triển khai thi hành Hiến pháp. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát các quy định của dự án Luật hộ tịch với các quy định của dự án Luật căn cước công dân để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả Đề án 896, góp phần bảo đảm thực hiện được mục tiêu và lộ trình đề ra trong việc ban hành Luật hộ tịch.

Về phạm vi điều chỉnh và quan hệ giữa hộ tịch - hộ khẩu và căn cước công dân, Ủy ban pháp luật cho rằng, giữa hộ tịch, hộ khẩu và căn cước công dân tuy có mối liên hệ mật thiết với nhau, nhưng có phạm vi, mục đích và cách thức thực hiện khác nhau. Thực tế hiện nay, vấn đề hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý; hộ khẩu, căn cước công dân do Bộ Công an quản lý. Do vậy, tán thành không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật hộ tịch theo hướng bao gồm cả hộ khẩu và căn cước công dân.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật căn cước công dân thì Thẻ căn cước công dân sẽ được cấp cho cá nhân khi làm thủ tục khai sinh; do đó, đề nghị cân nhắc lại việc cấp Giấy khai sinh để tránh làm phát sinh thêm giấy tờ đối với người dân. Đề nghị Chính phủ có giải trình rõ để quy định thống nhất vấn đề này trong Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch.

Ngoài ra, về thẩm quyền đăng ký hộ tịch Ủy ban pháp luật cho rằng, trong dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ hơn việc cải sửa, cấp lại giấy tờ hộ tịch nhằm khắc phục tình trạng lợi dụng việc cải sửa này để gian lận như: Khai tăng, giảm tuổi để được nghỉ hưu sớm hoặc kéo dài thời gian công tác, trốn nghĩa vụ quân sự, trốn tránh trách nhiệm hình sự...; xác định rõ trách nhiệm của UBDN các cấp trong công tác quản lý đăng ký hộ tịch, hạn chế việc vi phạm pháp luật, lợi dụng chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước ta để trục lợi…

Luật căn cước công dân 
góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý dân cư

Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội, việc ban hành Luật căn cước công dân là cần thiết. Việc sử dụng giấy tờ về căn cước công dân (chứng minh nhân dân) đã được thực hiện ở nước ta từ nhiều năm nay. Ngay sau khi thống nhất đất nước, Chính phủ đã ban hành các quy định về việc sử dụng căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc; trên thực tế, việc quản lý, sử dụng giấy tờ về căn cước công dân đã được triển khai thực hiện, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đồng thời phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân.

Tuy nhiên, hoạt động quản lý căn cước công dân mới được điều chỉnh bởi Nghị định của Chính phủ nên hiệu lực pháp lý không cao, quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, gây phiền hà cho người dân. Do đó, việc xây dựng dự án Luật căn cước công dân là cần thiết để luật hóa những quy phạm pháp luật đã thực hiện ổn định, có hiệu quả và thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý dân cư theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho người dân.

Ngoài ra, UBQPAN cũng cho ý kiến về sự phù hợp với chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi; tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; bố cục; cơ sở dữ liệu căn cước công dân và mối quan hệ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; số định danh cá nhân; thẻ căn cước công dân; lệ phí đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp của dự án Luật căn cước công dân.

Cũng trong chiều 4/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Tờ trình dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần