Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật hóa các quy định về phòng cháy, chữa cháy, tăng cường phân cấp, phân quyền

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 14/5, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn

Cần thiết ban hành Luật

Trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn hết sức hạn chế. Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, gây ra những thiệt hại về người và tài sản, đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Do đó, cần thiết phải xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình bày Dự án Luật. Ảnh: Quochoi.vn
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình bày Dự án Luật. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Luật gồm 9 chương, 65 điều, đã bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ để cụ thể hóa và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bổ sung và quy định bao quát hơn các nội dung có liên quan đến quản lý về phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, kế thừa, bổ sung các quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy; bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật…

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về công tác này. Đồng thời, luật hóa những quy định hiện hành và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động cứu nạn, cứu hộ mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đang được giao đảm nhiệm, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn, tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Về những nội dung cụ thể, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu quy định chi tiết hơn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với từng loại hình cơ sở, nhất là những quy định có tính đặc thù, khác với pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu của công tác này.

“Có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy phù hợp; đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu quy định rõ công trình thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo, phương tiện giao thông cơ giới hoán cải”- Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung đầy đủ, cụ thể hơn các quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ, cân nhắc quy định về cứu nạn, cứu hộ trong đám cháy vì việc này là một biện pháp trong hoạt động chữa cháy, được thực hiện theo quy trình khác với các hoạt động cứu nạn, cứu hộ khác.

"Phòng hơn chống"

Qua thảo luận, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là Dự án Luật rất quan trọng, tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân và doanh nghiệp, gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Do đó, vừa cần khẩn trương nhưng cũng phải nghiên cứu, rà soát một cách kỹ lưỡng để khắc phục những bất cập, hạn chế, đồng thời, có những đổi mới phù hợp, khả thi.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Từ những bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy trong thực tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, cần có những đúc kết, rút kinh nghiệm để hạn chế tối đa số vụ cháy, nổ cũng như thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân. Đồng thời đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bám sát sự chỉ đạo của Đảng để có giải pháp lãnh đạo từ Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của MTTQ và các đoàn thể đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Tán thành với phạm vi điều chỉnh Dự án Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần có đánh giá và rà soát kỹ lưỡng bởi công tác cứu nạn, cứu hộ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có sự giao thoa lớn. Đồng thời, quy định cụ thể hơn về cơ chế phối hợp chỉ huy, hỗ trợ liên quan đến cứu hộ, cứu nạn.

Liên quan đến công tác quy hoạch, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu thực tế đường bên ngoài rộng nhưng vào sâu ngõ, hẻm lại chật nên khi có cháy, nổ thì xe chữa cháy không vào được. Gần như chỗ nào cũng có họng nước chữa cháy nhưng lâu không sử dụng, khi có cháy lại không vận hành được. Thang xe chữa cháy lên được 5 - 7 tầng, nhưng nhà được cấp phép xây dựng tới 12-13 tầng... “Ngay Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nếu xảy ra cháy thì xe thang chữa cháy đến được bao nhiêu tầng, trong khi xây dựng số tầng vượt xa khả năng của xe chữa cháy? Rút kinh nghiệm cho công tác phòng cháy, chữa cháy sắp tới để hạn chế tối đa vụ cháy cũng như thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân” – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “phòng hơn chống”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu thêm về nội dung này để tiếp tục phân cấp, phân quyền trong việc thẩm tra, thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy, nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời quan tâm đến trang thiết bị, lực lượng và đặc biệt là ý thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy của từng người dân, mỗi gia đình. Bởi, khi có cháy nổ thì xử lý tại chỗ là quan trọng nhất, còn chờ lực lượng phòng cháy, chữa cháy đến thì lửa đã thiêu rụi rồi.

Về phòng cháy đối với nhà ở, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề được người dân quan tâm, nhưng Dự án Luật "chưa có điểm mới, nét mới". Do đó, cần có các quy định cụ thể về nội dung này cũng như các quy định về điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy cơ sở nhà ở, đặc biệt là nhà ở kết hợp với dạng sản xuất kinh doanh.

Các ý kiến cũng bày tỏ ủng hộ quy định về lập, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng theo quy định của pháp luật về quy hoạch phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng loại quy hoạch… Nội dung rất cần thiết vì vừa qua các khu dân cư có vụ cháy xảy ra đường vào bé, không đưa được các phương tiện chữa cháy vào.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thiện Báo cáo thẩm tra gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 theo đúng quy định và bảo đảm chất lượng.  Trong đó lưu ý về “các công trình do lịch sử để lại”, vì những công trình này hầu hết chưa đảm bảo quy định, tiêu chuẩn về phòng cháy, chứa cháy, cứu nạn, cứu hộ nên Dự án Luật cần có điều khoản chuyển tiếp để xử lý, đặt ra lộ trình phù hợp.