Tệ hại hơn là điều này lại xảy ra ngày càng phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nên chăng cần có một bộ luật về ngôn ngữ như một số nhà khoa học đã đề xuất để gìn giữ sự trong sáng của tiếng Tiệt theo tinh thần mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng căn dặn cách nay 60 năm.
Có lẽ chưa cần đến số liệu khảo sát của PGS.TS Đào Thanh Lan (Khoa Ngôn ngữ học, trường ĐHKH Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) trên 130 bài báo với kết quả có đến gần 50% số bài mắc các lỗi về văn bản, câu từ, chính tả, ngữ pháp thì lâu nay, xã hội cũng đã có quá nhiều lời ta thán về tình trạng sử dụng sai tiếng Việt của nhiều người, trên nhiều diễn đàn khác nhau, đặc biệt là những sai sót về ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng - nơi vốn được người dân cho là chuẩn mực mà tin tưởng, nghe theo, nói theo và viết theo. Có người bức xúc còn gọi đó là thảm họa của tiếng Việt trên báo chí hiện nay.
Đó là lý do vì sao Hội thảo khoa học "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Viện Ngôn ngữ học, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cuối tuần qua lại thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý và phóng viên báo chí nhiều như vậy. 245 bản tham luận gửi đến Hội thảo đã phân tích cặn kẽ mọi ngóc ngách của ngôn ngữ báo chí, về thực trạng nói sai, viết sai tiếng Việt trên hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay.
Đó là tình trạng dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả; cách đặt tiêu đề, rút "tít" thiếu cân nhắc, sai thực tế, thậm chí giật gân câu khách; thiếu sự đổi mới trong sự thể hiện văn phong báo chí; sử dụng tiếng nước ngoài thiếu chọn lọc, thiếu nhất quán; tâm lý chuộng ngoại, sính ngữ còn khá phổ biến; ngôn ngữ và cách trình bày của biên tập viên, phát thanh viên (trên truyền hình, phát thanh...) chưa có sự trau chuốt, chưa hướng tới sự chuẩn mực cần thiết; thiếu tinh thần cầu thị; tình trạng phiên âm tiếng nước ngoài tùy tiện, “Tây hóa” báo chí Việt đang diễn ra khá phổ biến, thậm chí là “nửa Tây nửa ta” ngay trong một câu nói cũng không còn là chuyện hiếm.
Công bằng mà nói, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí đã làm cho ngôn ngữ tiếng Việt trở nên sinh động hơn, mang hơi thở của nhịp sống đương đại hơn khi số lượng từ vựng bổ sung qua giao tiếp thường ngày được báo chí cập nhật và phản ánh kịp thời. Đó là một hiện tượng tất yếu đảm bảo sự phát triển của ngôn ngữ trên cơ sở vốn cũ, làm cho tiếng Việt giàu thêm nhưng vẫn giữ được phong cách và bản sắc.
Tuy nhiên, những sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, về sử dụng tiếng Việt trên báo chí, truyền thông đã tác động tiêu cực, nhanh chóng, rộng khắp đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ, nhiều khi trở thành hiệu ứng lan truyền. Nhiều người lo ngại thế hệ sau sẽ sử dụng tiếng Việt ra sao nếu cứ tồn tại tình trạng nói sai, viết sai, sự thiếu chuẩn mực trong ngôn ngữ cứ diễn ra hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhịp độ ngày càng tăng, đang làm méo mó ngôn ngữ Việt vốn phong phú và đa sắc, đủ sức biểu hiện mọi sắc thái tình cảm, hành động của con người.
Vì vậy, thật có lý khi nhiều nhà khoa học, nhà báo lão thành đề nghị cần phải có Luật về ngôn ngữ để tạo hành lang pháp lý cho việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt trong quá trình vận động phát triển của cuộc sống, nhằm xây dựng sự chuẩn mực về ngôn ngữ để tạo thói quen nói và viết đúng tiếng Việt, nhất là trên báo chí. Chưa biết khi nào thì bộ luật về ngôn ngữ tiếng Việt được xây dựng, chỉ biết rằng, trên thế giới, đã có hơn 1.000 bộ luật ngôn ngữ được ban hành. Dân tộc Việt Nam tự hào có nghìn năm văn hiến, lẽ nào việc ấy lại không đáng được các nhà lập pháp quan tâm!
Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, thống nhất trong sự đa dạng. Viết đúng, nói đúng chuẩn tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng là con đường để báo chí đến gần hơn với công chúng và cũng là cách để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Điều đó chỉ có được khi mỗi người làm báo luôn nâng cao ý thức nói và viết thật đúng, thật sáng tạo tiếng mẹ đẻ.