70 năm giải phóng Thủ đô

Luật hóa việc bổ sung thông tin nơi sinh vào giấy tờ xuất, nhập cảnh

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 12/5, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trình bày tóm tắt tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Dự Luật có 3 điều. Trong đó, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo tại phiên họp

Sửa đổi các quy định của Luật để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh Việt Nam; sửa đổi để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Liên quan đến các nội dung sửa đổi, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày khẳng định, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc bổ sung thông tin nơi sinh vào giấy tờ xuất nhập cảnh để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định thị thực điện tử có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng. Đồng thời nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung là mở rộng diện cấp thị thực điện tử cho công dân vùng lãnh thổ so với chỉ quy định diện cấp đối với công dân các nước như trước đây…

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhận định, việc nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Phát biểu ý kiến thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hồ sơ Dự án Luật đề xuất 4 chính sách đều đã bảo đảm phù hợp với Hiến pháp về hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm tương thích với điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính khả thi, dự báo của nội dung chính sách, các giải pháp. Điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách được Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động tương đối toàn diện và được thể hiện tương đối đầy đủ trong dự thảo Luật.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ cơ bản thống nhất với nội dung nâng thời hạn cấp tạm trú và cho biết quy định liên quan có nhiều cải cách và ưu đãi. Tuy nhiên so với một số nước thì thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực, các nước cũng áp dụng đơn phương miễn thị thực. Do đó cần tăng cường thị thực điện tử, gia hạn, tăng thêm các mốc thời hạn tạm trú...

Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tập trung cho ý kiến làm rõ tính cấp thiết xây dựng luật để nâng cao hiệu quả quản lý hành chính trong điều kiện mở cửa; sự phù hợp của luật với chủ trương, đường lối của Đảng, với các điều ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia, về tính hợp hiến, hợp pháp và sự đồng bộ, thống nhất trong quy định của pháp luật về lĩnh vực này…

Kết luận phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần tích cực tiếp thu ý kiến để hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật, tạo cơ sở vững chắc để trình Quốc hội tại Kỳ họp sắp tới.