Luật kinh doanh bất động sản: Nhiều nội dung cần tháo gỡ

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) vốn đã gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, đặc biệt là vấn đề liên quan đến Luật Kinh doanh BĐS, cộng thêm đại dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua, gây ra nhiều lực cản kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Bối cảnh đó cần những thay đổi để tháo gỡ khó khăn, tạo tiền đề cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Công cụ pháp lý chưa hoàn thiện
Số liệu báo cáo của Hội môi giới BĐS Việt Nam, từ đầu năm đến nay, tổng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường cả nước đạt trên 165.700 sản phẩm. Trong đó, nguồn cung cũ là 118.200 sản phẩm chiếm tới trên 75%. Nguồn cung mới chỉ có thêm 47.500 sản phẩm. Thực trạng trên cho thấy, nguồn cung trên thị trường đang dần ít đi, xảy ra hiện tượng mất cân đối cung – cầu nghiêm trọng ở nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khiến cho giá BĐS liên tục leo thang, không có dấu hiệu giảm.
“Thị trường BĐS từ đầu năm 2021 tiếp tuc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhất là quý III/2021. Nguồn cung vốn giảm mạnh từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Giao dịch thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn. Đồng thời cũng xuất hiện lực cầu F0. Trạng thái của thị trường thay đổi mạnh, có giai đoạn sốt cao, giai đoạn trầm lắng” – Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính thông tin.
Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 đang gây ra nhiều khó khăn cho sự phát triển của thị trường.
Theo đánh giá thị trường BĐS thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn, bên cạnh nguyên nhân chủ quan do dịch bệnh, pháp lý được xem là căn nguyên của vấn đề, luật chồng chéo luật và trong luật có nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 là một trong những văn bản pháp quy đang tác động nhiều nhất đối với thị trường.
Tại văn bản gửi Văn phòng Chủ tịch nước mới đây, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) chỉ ra một loạt nội dung vướng mắc của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, như: chưa quy định điều chỉnh hành vi giao dịch, huy động vốn xảy ra trước thời điểm ký hợp đồng; Thanh toán trong giao dịch không yêu cầu phải qua ngân hàng để làm tăng tính minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên, chống thất thu ngân sách Nhà nước, góp phần phòng, chống rửa tiền... dẫn đến xảy ra tình trạng trốn thuế, lừa đảo; Thiếu kiểm soát hoạt động kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai, phân lô bán nền...
“Đáng chú ý việc quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh của sàn giao dịch BĐS và năng lực hành nghề của nhân viên môi giới thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân gây bất ổn xã hội. Đồng thời, xử phạt hành chính trong lĩnh vực BĐS, nhà ở, đất đai, xây dựng chưa đủ sức răn đe nhằm phòng ngừa vi phạm pháp luật” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho hay.
Luật cần phù hợp với xu hướng mở
Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo BĐS Nguyễn Đức Lập cho biết, sự chống chéo về văn bản pháp quy dẫn đến hàng loạt sai phạm của chính quyền địa phương là vấn đề nổi cộm, nhức nhối những năm gần đây. Nhiều dự án được giao và chấp thuận chủ trương đầu tư trái Luật, không thông qua đấu thầu, đấu giá, tính tiền sử dụng đất sai quy định gây thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước… để lại hậu quả nặng nề, vẫn loay hoay chờ đợi cơ chế mới.
“Trong khi hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng của chủ đầu tư, khách hàng bị đóng băng nhiều năm. Đội ngũ lãnh đạo, công chức e dè, tâm lý “sợ sai” bao trùm càng làm cho thời gian, quy trình xử lý thủ tục hành chính trở nên rối rắm, kéo dài. Pháp luật chưa có cơ chế bảo vệ, quản lý rủi ro cho cán bộ trong trường hợp tham mưu giải quyết những tồn tại do sai phạm thời kỳ trước để lại” – ông Nguyễn Đức Lập nhìn nhận.
Các chuyên gia và nhà quản lý đều chung quan điểm, để giải quyết tình trạng trên cần xây dựng chiến lược pháp lý tổng thể để hoàn thiện thể chế pháp lý cho thị trường BĐS, hạn chế chồng chéo, ràng buộc bởi nhiều luật – bộ luật khác nhau; cấp chính quyền cần sớm xây dựng kế hoạch chi tiết kịp thời đưa quy định của pháp luật vào thực tiễn, tránh để tắc nghẽn, bị động, để lại hậu quả đáng tiếc.
Đồng thời nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc do sai phạm ở một số dự án để khơi thông nguồn cung, tháo gỡ khó khăn làm trong sạch môi trường kinh doanh, đầu tư; Hoàn thiện cổng thông tin quốc gia về quy hoạch và thông tin pháp lý BĐS  để công khai, minh bạch trình tự thực hiện dự án, tiến độ thực hiện thủ tục pháp lý; Quan trọng nhất là xây dựng luật xu hướng mở để phù hợp với bối cảnh phát triển của xã hội, nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

BĐS là một ngành kinh doanh phải chịu tác động thủ tục pháp lý phức tạp nhất so với ngành nghề khác với 12 luật khác nhau. Vì vậy, Bộ Xây dựng và cơ quan liên quan cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện để đưa luật vào thực tế một cách phù hợp nhất. Tôi cho rằng muốn BĐS phát triển trở lại để làm động lực phát triển cho cả nền kinh tế là phải cải tổ hệ thống luật pháp thật hoàn chỉnh” – Chủ tịch GP Invest Nguyễn Quốc Hiệp