Luật mới về đầu tư, kinh doanh: Cú hích thu hút đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 đạo luật quan trọng về đầu tư, kinh doanh gồm Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) sẽ là cú hích để Việt Nam thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.

Chiều 10/7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về những điểm mới, những chính sách đột phá của ba đạo luật Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Vũ Đại Thắng cho biết, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa qua, 3 luật trên đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao.

 

Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 điều có nhiều cải cách quan trọng. Trong đó, cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường. Luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống”. Đồng thời, thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay. Luật cũng nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến. Nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sửa hữu nhà nước với việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước; bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước…

Về Luật Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Luật Đầu tư được ban hành với mục tiêu tổng thể là nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Luật có 07 Chương 77 Điều và 4 Phụ lục. Nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Sửa đổi, bổ sung quy định tại các Phụ lục I, II, III về cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy; hóa chất, khoáng vật độc hại và động, thực vật hoang dã cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý nhà nước; Tiếp tục cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm 22 ngành, nghề quy định tại Phụ lục IV. Sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí không cần thiết trong hoạt động đầu tư, kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. 

Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đây là một luật mới hoàn toàn và việc ban hành một đạo luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp. Luật PPP hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. 

Về lý do Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới tồn tại 5 năm đã sửa đổi, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, hai đạo luật này từ khi ra đời đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân, có tác động quan trọng đến sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên hiện nay đã có sự xung đột với một số luật khác như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, ngoài ra đã xuất hiện một số phương thức kinh doanh theo mô hình mới, dẫn đến khoảng trống mới của pháp luật, nên cần thiết phải sửa đổi. Về Luật PPP, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, là luật mới hoàn toàn, đã kế thừa những quy định tốt đã và đang thực hiện, đồng thời bổ sung các nội dung mới, quan trọng, bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho các dự án PPP trong thời gian tới."Khi đi vào cuộc sống, ba đạo luật trên sẽ tạo ra những điểm nhấn mới", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhận định, thời gian qua dự án BT có khá nhiều mặt trái, khi triển khai luật quy hoạch thì có các dự án BT phá vỡ quy hoạch của các địa phương. Trong quá trình thảo luận Luật PPP, nhiều ý kiến cho rằng hình thức này không thể coi là hình thức đầu tư PPP. Về nguyên tắc, theo Luật PPP, dự án hợp tác công tư là có hợp đồng giữa nhà nước và tư nhân. Còn việc xây dựng công trình xong đổi lấy đất thì hoàn toàn không phải PPP, do đó không nằm trong nội dung của Luật PPP.

Liên quan đến cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, không có chuyện không quản được thì cấm mà cấm vì hiện đã có khung pháp lý, có nhiều cơ chế để giải quyết vấn đề vay nợ.

Không cần quá lo lắng khi cấm dịch vụ đòi nợ thì hoạt động này sẽ đi vào hoạt động bí mật hay lén lút, nếu có chuyện đó thì sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nêu quan điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần