Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật phải kích hoạt được cơ chế phòng vệ với “chạy” thành tích, "chạy" khen thưởng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng nay, 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Các đại biểu đã đề cập đến việc đổi mới trong khen thưởng, đề cao tính kịp thời, khắc phục tình trạng cộng dồn thành tích, “nuôi” khen thưởng.

Khen thưởng kịp thời theo công trạng
Các đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao với việc sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng và cho rằng, Dự Luật đã bổ sung những vấn đề mới phát sinh, phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới. Trong đó, bổ sung đối tượng là tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp; doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài… Dự Luật đã bổ sung thêm nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó nhằm đề cao tính kịp thời.
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị, Dự Luật sửa đổi lần này cần quan tâm khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng, nhất là đối với trường hợp xét khen thưởng đột xuất. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn), Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát cải tiến hồ sơ thủ tục; mở rộng thêm các trường hợp được xét khen thưởng theo thủ tục đơn giản.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) cho rằng, đối với quy định cần có thời gian liên tục trong công tác bình xét thi đua, cơ quan soạn thảo nên xem xét thay thế bằng quy định có đủ số năm đạt thành tích trong khoảng thời gian xét khen thưởng phù hợp, tránh việc nể nang nhường thành tích, kết quả cho nhau để bảo đảm có thời gian liên tục.
 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Theo đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam), không phủ nhận vai trò động lực và hiệu quả của thi đua khen thưởng đối với đời sống xã hội và xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, thực tế có thi đua để phát huy, có thi đua để khắc phục, hoàn thiện hơn nên cần khắc phục tính hình thức và chạy theo thành tích. Luật cần có quy định rõ, cụ thể, khen thưởng phải theo công trạng của cá nhân, tập thể mới thực sự động viên đối tượng được khen thưởng, khích lệ cộng đồng nỗ lực hướng tới.
“Tổng kết cho thấy những tồn tại, hạn chế có nhiều nguyên nhân, song chất lượng hiệu quả hay hạn chế phụ thuộc nhiều vào khâu tổ chức, triển khai thực hiện chứ không hoàn toàn do luật. Do đó cần quy định nguyên tắc trách nhiệm, xử lý vi phạm cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong tổ chức triển khai thi đua khen thưởng, đề nghị và quyết định khen thưởng” – đại biểu nêu ý kiến.
 Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Cho rằng chỉ khi nào với đầy đủ công cụ quản lý được giao, các cơ quan thực hiện việc tôn vinh mà không yêu cầu cá nhân viết báo cáo thành tích thì khi đó mới bảo đảm ý nghĩa biểu dương, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) nêu ý kiến: “Trong bối cảnh số hoá thì chỉ cần một cái click chuột đã có thể cung cấp đầy đủ các dữ liệu cá nhân được xác thực thì làm sao có thể có kẽ hở để luồn lách, thăng tiến”. Đồng thời cho rằng, Dự Luật này cùng với hệ thống cơ sở dữ liệu phải kích hoạt cho được cơ chế phòng vệ trước thói quen “hóa danh” và lan toả khí chất “hữu xạ tự nhiên hương, hà tất phải tô vẽ”.

Đề xuất giữ nguyên danh hiệu NSND, NSƯT cho nhạc sĩ

Về nội dung Dự Luật lần này đã bỏ nhạc sĩ, phát thanh viên ra khỏi đối tượng được xét tặng nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) nhất trí với việc không đưa phát thanh viên vào đối tượng được xét tặng NSND, NSƯT, nhưng vẫn giữ đối tượng là nhạc sĩ.

 Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo. Nhạc sĩ không phải nghệ sĩ biểu diễn nhưng phải khẳng định rằng, họ vẫn là nghệ sĩ, là người gián tiếp quan trọng tạo ra các sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống như các đạo diễn, quay phim, họa sĩ, âm thanh, biên đạo… “Nếu các nhạc sĩ bảo đảm được các tiêu chí, tiêu chuẩn số lượng giải thưởng uy tín, số năm công tác, đóng góp cho ngành văn hóa nghệ thuật thì họ phải được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT” - đại biểu nói.

Một số đại biểu cũng cho rằng, sáng tác và biểu diễn là hai yếu tố không thể tách rời trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Trong một số trường hợp, nhạc sĩ là thầy của nghệ sĩ. Các nghệ sĩ cũng băn khoăn khi các bậc thầy của mình không nằm trong đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, sửa Luật Thi đua khen thưởng lần này đảm bảo diện bao phủ rất rộng, bao trùm, toàn diện, hợp lý, công bằng, khoa học, thực tiễn và tạo động lực mới. Đặc biệt là quán triệt hướng về cơ sở, khu vực ngoài Nhà nước, người trực tiếp lao động, học tập, nghiên cứu trên quan điểm thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng dồn, tích luỹ thành tích hay tính hình thức. Nguyên tắc này được thiết kế nhất quán, xuyên suốt và chiếm 3/4 các hình thức khen thưởng. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung để đảm bảo quán triệt nguyên tắc này rõ hơn trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.