Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Quy hoạch khắc phục tình trạng xung đột, chồng chéo

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 lần được đưa ra thảo luận tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, Dự án Luật Quy hoạch được thống nhất sẽ trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 sắp tới.

Tuy nhiên, điểm khiến nhiều ý kiến băn khoăn là có những nội dung của Dự luật khiến phải bãi bỏ không ít khoản trong các luật khác, nhưng lại chưa được đánh giá tác động một cách kỹ càng.
Không thể chậm trễ
Lý giải về sự cần thiết phải ban hành Luật, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết: Luật Quy hoạch sẽ là một cách làm mới, thay đổi, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời khắc phục tình trạng quy hoạch đang tồn tại hàng loạt vấn đề như thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật là “không thể chậm trễ”.
Thống kê cho thấy, đến nay có hơn 18.000 quy hoạch các loại ở các cấp. Quy hoạch nhiều nhưng chất lượng không xứng đáng với số tiền, nguồn lực bỏ ra. Quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Một khu đất đã quy hoạch nhưng chưa được xây dựng tại Khu đô thị Việt Hưng. Ảnh: Công Hùng

Đưa ra một số ví dụ về quy hoạch sản phẩm sẽ do thị trường quyết định, ông Đông cho rằng, một trong những cách quản lý quy hoạch của Nhà nước sẽ bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường. Điều này sẽ hạn chế tình trạng “xin - cho” đang diễn ra. Việc quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được thực hiện theo phương pháp tích hợp. Cụ thể, sau khi Luật ban hành, sau 2, 3 năm, từ các quy hoạch ngành khác nhau, các bộ, ngành sẽ cùng nhau đánh giá một cách khoa học về chiến lược phát triển theo từng thời kỳ. Khi đã có quy hoạch tổng thể sẽ xây dựng quy hoạch ngành; tránh tình trạng xung đột quy hoạch nếu để từng bộ, ngành vẫn làm như hiện nay.
Cơ quan soạn thảo là Bộ KH&ĐT cũng khẳng định quan điểm xây dựng luật lần này là để hệ thống quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch chi tiết phải dựa trên quy hoạch tổng thể.
Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định, phương án này đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch. Đồng thời tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bố nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư.
Băn khoăn bởi xung đột giữa các luật
Tuy thống nhất rằng rất cần Luật để khắc phục những bất cập trong công tác quy hoạch hiện nay đang thiếu tầm nhìn, lại bị chi phối bởi 70 luật, pháp lệnh và hàng trăm nghị định, nhưng trong quá trình thảo luận, không ít ý kiến “hoài nghi” về các phương án quy hoạch được đưa ra. Đồng thời, cho rằng Dự luật mới chỉ đề cập quy hoạch đô thị, còn quy hoạch ở nông thôn cũng đang rất lộn xộn… Hơn nữa, có những quy định được đưa ra khiến sửa 43 điều trong các luật khác là chưa từng có tiền lệ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nếu theo Dự luật thì những quy định trong Luật Đất đai về quy hoạch tỉnh, huyện sẽ không còn, mà chỉ còn quy hoạch vùng, liên vùng; xung đột thẩm quyền của các cơ quan như Chính phủ, Quốc hội trong việc phê duyệt quy hoạch… rất phức tạp. Về nguyên tắc, Dự luật không thể buộc các luật khác “chạy” theo mà phải tôn trọng các luật đã thực hiện ổn định, chỉ điều chỉnh các luật có bất cập.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, cần phân tích, giải trình, đánh giá thật rõ tác động, mối quan hệ của Dự luật với các luật chuyên ngành. Ví dụ nếu bỏ quy định nào trong Luật Đất đai thì khi thay thế bằng quy định mới trong Luật này sẽ như thế nào? Hay việc giao thẩm quyền quy hoạch tổng thể quốc gia cho Chính phủ mà không phải là Quốc hội cũng cần được phân tích, đánh giá rõ tác động của việc đó.
Sau quá trình thảo luận, UBTV Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo Dự luật hết sức chú ý đến thẩm quyền của Quốc hội đã được Hiến pháp quy định. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Dự luật nên theo hướng là luật khung, luật nguyên tắc, tránh đi sâu vào nội dung sẽ gây ảnh hưởng, xung đột với các quy định pháp luật hiện nay cũng như các vấn đề quy hoạch đã đi vào cuộc sống.
Dự án Luật Quy hoạch gồm 8 chương với 69 điều quy định về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Kinh phí, chính sách của Nhà nước về hoạt động, quản lý quy hoạch. Hệ thống quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch. Quy định về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch; giám sát hoạt động quy hoạch; xử phạt vi phạm pháp luật trong hoạt động quy hoạch...