Kháng cáo thay thân chủ
Cụ thể, trong phiên xử phúc thẩm gồm 14 bị cáo kháng cáo thì có đến 8 bị cáo đang bỏ trốn. Trong số đó có Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch AIC đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế. Ngoài bà Nhàn, các bị cáo khác đang bỏ trốn gồm: Trần Mạnh Hà - Phó tổng GĐ AIC, Đỗ Văn Sơn - cựu Kế toán trưởng AIC, Nguyễn Thị Sen - cựu GĐ Cty CP Thiết bị y tế và môi trường, Nguyễn Thị Tích - Tổng GĐ Cty MOPHA, Đỗ Mỹ Hạnh - Chủ tịch HĐQT Cty Cát Vân Sa, Nguyễn Đăng Thuyết - Cựu GĐ Cty Thành An Hà Nội và Ngô Thế Vinh - GĐ Cty Nha khoa Việt Tiên, 8 bị cáo bỏ trốn được các luật sư thay mặt kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm, luật sư bào chữa cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các bị cáo bỏ trốn khác đề nghị, họ không nhận được ủy quyền của những bị cáo này. Tuy nhiên, căn cứ trên bản án sơ thẩm nêu: “Các luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án”, nên họ đã làm đơn kháng cáo thay thân chủ của mình.
Theo Hội đồng xét xử phúc thẩm, đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và những bị cáo bỏ trốn khác đang bị truy nã, không có mặt tại phiên tòa sơ thẩm, khi chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử đã tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử đến gia đình các bị cáo. Đến nay, các bị cáo vẫn không trình diện, đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền kháng cáo.
Với ông Thuyết và ông Vinh, tòa cho hay họ có gửi đơn kháng cáo từ Mỹ, song phong bì thư không có xác nhận của cơ quan thẩm quyền. Hai người này cũng chưa từng trình diện cơ quan pháp luật, chưa có chứng minh đã nhập cảnh Việt Nam, do đó không có căn cứ xem xét đơn kháng cáo. Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định, không chấp nhận kháng cáo của các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo vắng mặt, không chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo ở nước ngoài.
Có quyền kháng cáo “thay” không?
Trước khi phiên tòa diễn ra, đã có nhiều tranh luận trái chiều về việc kháng cáo của luật sư của các bị cáo bỏ trốn này. Vậy theo luật, khi bị cáo bỏ trốn ở nước ngoài, luật sư đại diện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm cho thân chủ hay không?
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Hùng - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định rõ ràng về người có quyền kháng cáo.
Cụ thể, những người có quyền kháng cáo bao gồm bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm; Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa; Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ; Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội. “Căn cứ vào quy định trên, thì luật sư kháng cáo cho thân chủ là hoàn toàn hợp lệ” - luật sư Hùng cho biết.
Cũng theo luật sư Hùng, hiện tại chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp bị cáo bỏ trốn thì có được quyền kháng cáo hay không. Tuy nhiên theo quy định trên, luật sư của bị cáo bỏ trốn ở nước ngoài có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong các trường hợp luật sư là người đại diện của bị cáo có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. “Đối với trường hợp này thì luật sư cần được bị cáo là thân chủ của mình ủy quyền cho mình thực hiện quyền kháng cáo” - luật sư Hùng nói.