Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội): Không có trường hợp đặc biệt hay ngoại lệ
Vấn đề khởi tố hay không khởi tố vụ án phải trên cơ sở pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bất kể cơ quan tổ chức nào đều phải bị điều tra, không có trường hợp nào là đặc biệt và ngoại lệ. Còn pháp luật quy định tình tiết giảm nhẹ, miễn trừ hình sự và hành chính. Trên cơ sở đó căn cứ tính chất mức độ hành vi vi phạm đề quyết định xử hay không, miễn hay không, xử nặng hay nhẹ.
ĐB Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, khởi tố cũng có thể miễn trách nhiệm hình sự, có thể miễn hình phạt, có thể xử nhưng cho hưởng án treo, hay xử phạt cảnh cáo, phạt tiền cải tạo không giam giữ... Nên vấn đề quan trọng nhất là thực thi pháp luật cho đúng, và tình tiết sau khi cân nhắc đánh giá có thể xem xét miễn trách nhiệm hình sự, miễn xử phạt, giảm nhẹ và các hình thức ở mức thấp theo quy định của pháp luật.
"Tuy nhiên, với góc độ của đại biểu Quốc hội, cũng từng làm việc trong lĩnh vực pháp luật, tôi tin rằng pháp luật sẽ có những đại lượng phù hợp, công bằng đối với những người có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đối với những người ăn năn hối cải và đối với những người đã tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả, tích cực phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm", ông Hà nói.Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật
Theo tôi, đây là việc xem xét hết sức bình thường. Tôi mong muốn tất cả mọi người, đặc biệt là bà con xã Đồng Tâm, hết sức bình tĩnh. Nguyên tắc là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu có sự kiện pháp lý xảy ra thì Nhà nước đứng ra xem xét, căn cứ vào mức độ tính chất để có quyết định hợp lý. Điều quan trọng, theo tôi là phải xem xét tất cả mọi việc có lý có tình, công bằng. Công dân hay cơ quan Nhà nước cũng đều bình đẳng trước pháp luật. Không được thiên vị để dư luận nghĩ rằng điều đó không hợp lý.Với tư cách một đại biểu Quốc hội, một người có chút hiểu biết về pháp luật, tôi cho rằng việc xem xét trên bình diện pháp luật các vấn đề là cần thiết, và cần phải có sự công bằng để bảo đảm quyền, trách nhiệm của tất cả các tổ chức, cá nhân.Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Khởi tố vụ án là cần thiết
Đối với sự việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, tôi cho rằng, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án là cần thiết. Dù với bất kỳ lý do gì, việc bắt giữ cán bộ, chiến sĩ thực thi công vụ để gây sức ép là vi phạm pháp luật. Đã vi phạm pháp luật hình sự, việc không khởi tố là vi phạm và nếu đủ căn cứ cấu thành tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, việc khởi tố là nghĩa vụ của người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự.Nếu tư duy đây là vụ án hình sự thông thường, sẽ không giải quyết được gốc rễ sự việc. Tức là phải xem xét đến cả quá trình, quan hệ nhân quả. Trong vụ việc này, các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể áp dụng Điều 25 Bộ luật Hình sự, có thể khởi tố bị can nhưng miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ tình tiết: "Do chuyển biến của tình hình..."; đây chính là tình hình tại thời điểm đó và tình hình sau khi có sự kiện pháp lý đã xảy ra cũng như quá trình điều tra đã làm rõ.
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến: Phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật
Theo quy định của luật pháp, khi có dấu hiệu phạm tội và hành vi phạm tội xảy ra, các cơ quan tiến hành tố tụng phải khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Việc Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức là đúng với quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, phải tuân theo pháp luật, "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật".