Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật sư nói về vụ nữ sinh ở An Giang tự tử phản đối nhà trường

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua dư luận rất bức xúc vụ nữ sinh lớp 10 của một Trường THPT ở An Giang tự tử để phản đối nhà trường, dẫn đến phải cấp cứu. Vậy trong vụ việc này những giáo viên liên quan có phạm tội hình sự không?

Lịch phân công giáo viên ''giáo huấn'' cho nữ sinh Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), khiến em này phải tự tử.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Cao Thế Luận - Giám đốc Công ty Luật TNHH Kao Kiến (Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu) phân tích, vụ việc của em N.T.N.Y học sinh lớp 10A4 Trường THPT Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu (An Giang) uống thuốc tự tử để phản đối nhà trường. Đến nay Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) An Giang khẳng định nhà trường đã sai phạm.
Cụ thể, tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành (dạy thêm học thêm đại trà cho tất cả học sinh theo lớp chính khóa); Có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành (Lãnh đạo trường nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến nữ sinh tự tử); Biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, hiệu quả, gây bức xúc đối với phụ huynh học sinh và bản thân học sinh.
Từ những sai phạm của Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường và giáo viên chủ nhiệm (GVCN), Sở GD&ĐT đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Việt Hùm - Hiệu trưởng trường và bà Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó Hiệu trưởng trường, trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày 7/12).
Bên cạnh việc tạm đình chỉ Hiệu trưởng và Hiệu phó, Sở GD&ĐT cũng giao cho Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Cường xác minh, làm rõ hành vi của bà Huỳnh Thị Thu Huệ (GVCN lớp 10A4).
 Dòng nhật ký đăng trên Zalo được cho là của bà Huỳnh Thị Thu Huệ (GVCN lớp 10A4) sau khi nữ học sinh tự tử.
“Như vậy, qua các thông tin cho thấy BGH và giáo viên Trường THPT Vĩnh Xương đã có những sai sót trong việc dạy thêm, học thêm, có hình thức xử lý học sinh không đúng quy định, phản cảm, phản giáo dục là “bêu” tên giữa cộng đồng trường gây tâm lý ức chế cho học sinh, vốn là người lệ thuộc của mình dẫn đến hành động tiêu cực là tìm đến cái chết bằng hành vi uống thuốc quá liều. Việc hậu quả chết người chưa xảy ra là ngoài mong muốn bởi vì lượng thuốc chưa đủ để gây tử vong, nhưng ý thức suy sụp, tuyệt vọng là có thật”, luật sư Cao Thế Luận nhận định.
Cũng theo luật sư Cao Thế Luận, do chưa có hậu quả nên dù có đủ các dấu hiệu của tội “Bức tử” theo điều 130 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, nên vẫn chưa thể xem xét truy tố theo tội danh trên. Tuy nhiên, vẫn có thể xem xét, xử lý theo tội “Làm nhục người khác” theo điều 155 BLHS 2015. Cụ thể, theo khoản 3 điều 155 BLHS, quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 5 năm: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; Làm nạn nhân tự sát”.
Tội “Làm nhục người khác” theo điều 155 BLHS 2015
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
a) Phạm tội 2 lần trở lên;
b) Đối với 2 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g)Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% - 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 5 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.