Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực: Thúc đẩy tự chủ đại học

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực thi hành, với nhiều quy định mới.

Đặc biệt, các trường đại học sẽ được “cởi trói” nhiều hơn trong thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, để các quy định thực sự phát huy hiệu quả, vẫn cần có sự đồng bộ trong thực thi chính sách.
Rõ hơn các quy định về tự chủ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với nhiều quy định nới rộng, cụ thể với việc giao quyền tự chủ sẽ giúp các trường có điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo của mình trong tất cả các phương diện hoạt động học thuật, tài chính, nhân sự. Qua đó, thúc đẩy các trường có chính sách hoạt động hiệu quả trong nâng cao chất lượng phát triển, tăng cạnh tranh trong toàn hệ thống và với quốc tế.
 Sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: Phạm Hùng
Theo quy định của Luật, hành lang pháp lý về hội đồng trường, quyền của hội đồng trường, mối quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng được làm rõ hơn. Trong đó, hội đồng trường có thực quyền hơn trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; tiêu chuẩn hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên và tiêu chuẩn các chức danh quản lý; quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng; quyết định chính sách học phí; phê duyệt kế hoạch tài chính…
Đối với cơ chế tài chính, Luật cũng có bước tiến dài hơn so với luật cũ khi quy định nếu không sử dụng ngân sách, cơ sở giáo dục đại học có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ, bảo đảm tương xứng với chất lượng đào tạo. Cơ sở giáo dục đại học cũng được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của mình; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp.
Cũng theo quy định của Luật, các trường đại học được tự chủ cao về hoạt động chuyên môn. Trong đó, được tự chủ mở ngành, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo trong và ngoài nước; tự chủ trong hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học - công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Cùng với đó, Luật cũng yêu cầu các trường phải thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch cho người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện đúng quy định, cam kết của trường.
Cần đồng bộ hệ thống pháp luật
Có thể thấy, việc Luật chính thức có hiệu lực thi hành, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tự chủ giáo dục đại học đã được hoàn thiện hơn một bước. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện Luật hiệu quả, cần rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là các quy định liên quan tổ chức, nhân sự, tài chính, đầu tư…
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phạm Tất Thắng, thực tế hoạt động tự chủ của các trường đại học đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của các luật: Giáo dục, Giáo dục đại học, Khoa học và Công nghệ, Đấu thầu, Đầu tư công, Xây dựng, Đất đai, Bảo hiểm xã hội, Ngân sách… và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Vì vậy, việc cần thiết hiện nay là sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ với Luật này. Cùng với đó, cũng cần sớm gỡ “nút thắt”, đổi mới về tư duy quản lý của cơ quan chủ quản.
Theo đó, Nhà nước chỉ còn đưa ra chính sách, hành lang để các trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm quy định liên quan. Theo đại biểu Quốc hội Lê Quân (đoàn Hà Nội), trong quá trình thực hiện tự chủ đại học chắc chắn sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới nên phải sử dụng tư duy mới để tiếp cận và giải quyết vấn đề, nếu không sẽ lại thấy “bánh xe” đổi mới giáo dục đại học gặp khó khăn và trục trặc.
Cùng với đó, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục rà soát xây dựng các chuẩn giáo dục đại học như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên… tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục trong nước và phù hợp với xu hướng quốc tế. Qua đó, mới bảo đảm chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các trường trong khu vực và trên thế giới, cũng như tạo sự yên tâm khi giao quyền tự chủ nhiều hơn.