Hà Nội là "trái tim" - trung tâm hành chính mang nhiều yếu tố đặc thù
Tham luận trong Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức, TS Nguyễn Thị Thu Nga (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tham luận về vai trò Luật Thủ đô trong phát triển xã hội bền vững và quản lý phát triển xã hội Thủ đô Hà Nội.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Nga, Luật Thủ đô 2024 sẽ bảo đảm nguyên tắc phát triển, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của thực tế đặt ra hiện nay cho mục tiêu chung của đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Vì Thủ đô Hà Nội là "trái tim", là "đầu tàu, gương mẫu", là trung tâm hành chính mang nhiều yếu tố đặc thù cho nên Thủ đô phải có luật riêng mang tính chất đặc thù để cho Thủ đô tận dụng được tối đa các nguồn lực để phát triển xã hội Thủ đô bền vững.
Từ việc luật hóa đến các công tác như nâng cao nhận thức, nhất là đối với lãnh đạo chính quyền các cấp ở Thủ đô Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế và môi trường là rất cần thiết. Chỉ khi hiểu rõ mối quan hệ giữa quản lý phát triển kinh tế với quản lý môi trường thì mục tiêu phát triển bền vững mới được hiện thực hóa.
Luật Thủ đô 2024 bảo đảm bao trùm trên mọi mặt phát triển bền vững, tạo hành lang pháp lý để hiện thực hóa quy hoạch Thủ đô. Đặc biệt là hai đồ án quy hoạch chiến lược của Hà Nội gồm: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trong các đề án quy hoạch đã chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng như việc phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái... việc tìm ra phương án quy hoạch và giải pháp phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng bền vững, gắn với không gian xanh, sinh thái và hiện đại là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Luật Thủ đô 2024 tạo hành lang pháp lý bảo vệ môi trường sống cho con người. Theo đó, yếu tố con người luôn được xác định là một trong những nội dung đáng chú ý của luật là những chính sách góp phần xây dựng văn hóa người, y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Cùng với đó, Luật thể chế hóa các cơ chế khuyến khích, tạo nhiều cơ hội cho người dân đóng góp cho Thủ đô, giữ gìn, phát huy và làm sâu sắc hơn phẩm cách người Hà Nội. Trong đó, đáng chú ý là chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao bởi đây là một trong những nội dung quan trọng của Luật Thủ đô 2024. Ngoài thu hút công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong và ngoài nước, thành phố còn trọng dụng sát hạch chất lượng, ký hợp đồng, ngay cả với người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn,...
"Ngoài ra, Luật Thủ đô 2024 được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, đáp ứng trước những yêu cầu của đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"- TS. Nguyễn Thị Thu Nga nhấn mạnh.
Tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn
TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, theo thống kê, hiện nay hơn một nửa dân số thế giới sống ở các đô thị, đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên khoảng 60%. Tăng trưởng dân số đô thị đang diễn ra ở hầu hết các nước đang phát triển, với khoảng 66 triệu người di cư đến các đô thị mỗi năm. Đô thị hóa luôn là động lực quan trọng đối với phát triển kinh tế: không có quốc gia nào có được mức thu nhập cao nếu không trải qua quá trình đô thị hóa thành công.
Theo báo cáo mới đây của chương trình dân số của Liên hợp quốc, đến năm 2050, số cư dân thành thị sẽ chiếm 2/3 trên tổng dân số toàn cầu và 80% GDP của toàn bộ nền kinh tế thế giới. Hiện 20% dân số thế giới đang sinh sống và làm việc tại 600 TP lớn nhất hành tinh với 60% GDP toàn cầu.
Từ thực tiễn và dự báo cho tương lai, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội là TP "Văn hiến – Văn minh – Hiện đại". Trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là TP kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao. Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới,...
Mục tiêu và tầm nhìn trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nói lên khát vọng, bước đi cụ thể về một Thủ đô "Văn hiến – Văn minh – Hiện đại", có vai trò, vị thế, có thương hiệu toàn cầu, tự hào sánh vai cùng thủ đô các nước phát triển. Hiện thực hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị được quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Thủ đô 2024 về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô.
Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần nghiên cứu xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân – Nội Bài.
Cấu trúc đô thị Hà Nội với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị, tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.
“Ngoài ra, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý đô thị, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững” - TS.KTS Trương Văn Quảng nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh đến việc Thủ đô phải tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn.
Cụ thể, Hà Nội cần xác định rõ các ngành nghề mũi nhọn, có tiềm năng phát triển cao và phù hợp với định hướng phát triển của thành phố như công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp bán dẫn, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu, tài chính, dịch vụ... Ngoài ra, tăng cường đầu tư vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực này, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.