Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Thủ đô: Nhiều điểm chỉnh sửa được đánh giá cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuối tuần qua, tại Phiên họp thứ 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo dự án Luật Thủ đô. Nhiều ý kiến tại phiên họp ghi nhận những nội dung chỉnh lý, bổ sung hợp lý trong dự Luật lần này đã giải tỏa thỏa đáng những khúc mắc trước đây.

Quy định cho Thủ đô đã rõ hơn

Dự thảo Luật đã được chỉnh lý gồm 29 điều, bỏ 4 điều; sắp xếp, chỉnh lý lại nhiều nội dung. Tinh thần chung của việc chỉnh lý là làm rõ các quy định cho Thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính của cả nước, hạn chế việc quy định các chính sách dành cho Hà Nội với tư cách là đô thị đặc biệt. Trong đó, đã tập trung vào 7 lĩnh vực chính: Quy hoạch, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai, kinh tế - tài chính, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Nhiều thành viên UBTVQH đánh giá cao dự thảo Luật lần này, trong đó có vấn đề góp phần giải quyết vướng mắc về quỹ đất "vàng" khi các cơ quan T.Ư di dời ra khỏi khu vực nội thành; chính sách, cơ chế về tài chính… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật vẫn thiên về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng mà có phần "nhẹ" về giá trị tinh thần. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lưu ý, nội dung về Vùng Thủ đô trong dự thảo Luật còn sơ sài, chưa tương xứng. Đồng thời, nên có cơ chế ngân sách đặc thù cho Thủ đô, song yêu cầu nêu cụ thể "đặc thù là những gì và lý do phải quy định như vậy để sau này khi sửa Luật Ngân sách Nhà nước thì đưa vào".

Luật Thủ đô: Nhiều điểm chỉnh sửa được đánh giá cao - Ảnh 1

Luật Thủ đô sẽ có một số đặc thù để chính quyền Hà Nội quản lý dân cư  và xử phạt hành chính. Ảnh: Xuân Chính

Tán thành quy định nhập cư

Về quản lý dân cư, dự thảo lần này quy định điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội, ngoài áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 20 của Luật Cư trú, người muốn đăng ký thường trú phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Tán thành quy định trên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng, tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng đây cũng là một trong những giải pháp cần thiết nhằm giãn bớt số lượng dân cư cư trú trong nội thành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của UBTVQH và đại biểu Quốc hội đã làm rõ vai trò của Thủ đô với tư cách trung tâm hành chính - chính trị của cả nước, trách nhiệm của cơ quan quyền lực cũng đã rõ hơn, logic và khoa học hơn… Đồng thời, tán thành những quy định chặt chẽ về quản lý dân cư trong dự thảo luật.

Tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, 3 năm qua, Ban soạn thảo dự án Luật Thủ đô đã phối hợp với UBNDTP Hà Nội lấy ý kiến rộng rãi người dân, nhà khoa học, chuyên gia pháp lý về các vấn đề nêu trên. Đến nay, có thể nói, dự thảo Luật Thủ đô so với các luật khác có quá trình chuẩn bị công phu hơn, nhiều khác biệt ban đầu đã được thu hẹp, hướng tới sự đồng thuận cao, có tính khả thi, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh các nội dung được nhất trí cao có những điều khoản đang được trao đi đổi lại, gồm quản lý chặt chẽ dân cư khu vực nội thành, nâng cao mức xử phạt hành chính. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhận định: Hà Nội cần thiết có những quy định riêng về nhập cư xuất phát từ nhu cầu quản lý, khả năng đáp ứng nhu cầu về kinh tế - xã hội, nhất là chỗ ở, việc làm. Dân số tập trung quá nhiều ở nội thành (dân số ở 4 quận trung tâm trên 1 triệu người) đang đặt ra quá nhiều vấn đề về hạ tầng, khó có thể cải thiện. Việc quy định điều kiện đăng ký thường trú chặt chẽ trong nội thành, gắn với điều kiện phải có nơi ở ổn định, thường xuyên là để quản lý dân cư khoa học, chủ động chứ không phải cấm đoán quyền tự do cư trú. Quyết tâm, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền thành phố là cần có những điều kiện này để bảo đảm mục tiêu cao nhất là ổn định đời sống người dân, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Nếu được Quốc hội ủng hộ, nghĩa là trao cho Hà Nội một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển Thủ đô toàn diện về mọi mặt, góp phần nâng cao vị thế của Hà Nội và Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các cơ quan và thành phố phải chuẩn bị dự luật thật tốt để Quốc hội có thể thông qua ngay tại kỳ họp tới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng góp ý: Cần chuẩn bị báo cáo giải trình, thẩm tra thật chi tiết để Luật trở nên rõ ràng, không khó hiểu đối với đại biểu Quốc hội, thuyết phục được các đại biểu Quốc hội rằng những cơ chế này được đưa ra cho một Thủ đô duy nhất, khác biệt với các đô thị khác.

Tại Phiên họp thứ 12, UBTVQH đã cho ý kiến vào tờ trình Quốc hội về Nghị quyết quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội phê chuẩn. Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định và phân cấp thẩm quyền việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm cho cả Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của HĐND nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định này, tạo điều kiện để việc lấy phiếu tín nhiệm được tập trung, tránh dàn trải và hình thức.