Kết nối đồng bộ không gian ngầm với mặt đất
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua cho phép TP Hà Nội thử nghiệm có kiểm soát với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn.
Theo đó, Điều 19 Luật Thủ đô về quản lý, sử dụng không gian ngầm nêu rõ: việc quản lý, sử dụng không gian ngầm phải tuân theo các nguyên tắc dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo, thủy văn; phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; bảo đảm quốc phòng, an ninh; ưu tiên các công trình có tính lưỡng dụng, có khả năng sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh; bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo đảm kết nối đồng bộ với không gian trên mặt đất và các không gian xây dựng công trình ngầm có liên quan;
Việc xây dựng công trình ngầm, bao gồm cả phần móng, cọc và phần ngầm của công trình trên mặt đất, phải thực hiện theo dự án đầu tư xây dựng, hạng mục của dự án đầu tư xây dựng hoặc giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Tại khoản 2 Điều 19, không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất thuộc địa bàn TP được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ phù hợp với quy hoạch. Việc sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho phép sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định để xây dựng công trình ngầm phải trả tiền sử dụng không gian ngầm, trừ trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng không gian ngầm đối với công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh, thuộc danh mục khuyến khích đầu tư xây dựng hoặc trường hợp khác do Chính phủ quy định. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Đồng thời, tại Điều 19 cũng quy định, HĐND TP ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng.
Ưu tiên phát triển công trình ngầm
Trước khi thông qua, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến tán thành với quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm nhưng đề nghị làm rõ chính sách ưu tiên phát triển các công trình ngầm của TP như nhà ga, tàu điện, các tổ hợp trung tâm thương mại theo mô hình TOD.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã bổ sung một số chính sách ưu tiên phát triển công trình ngầm của TP tại khoản 6 Điều 43 và điểm a khoản 1 Điều 42. Việc phát triển các nhà ga, các tuyến đường sắt đô thị sử dụng không gian ngầm, các tổ hợp thương mại theo mô hình TOD đã được lồng ghép trong dự án phát triển đường sắt đô thị, dự án phát triển đô thị theo mô hình TOD quy định tại Điều 31 của dự thảo Luật.
Chia sẻ về quản lý và sử dụng không gian ngầm đô thị tại Hà Nội, TS. Nguyễn Công Giang, Khoa Xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, TP Hà Nội đang đối mặt với thách thức trong việc quản lý và sử dụng không gian ngầm trong bối cảnh đô thị ngày càng phát triển. Sự phát triển mạnh mẽ của không gian ngầm đô thị là tiêu chí cần thiết để đo lường mức độ hiện đại hóa của TP Hà Nội và là xu hướng tất yếu của phát triển đô thị. Để xây dựng Hà Nội trở thành một TP ngày một hiện đại, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp không gian ngầm và không gian trên mặt đất, thúc đẩy quy hoạch khoa học, sử dụng hợp lý và quản lý tỉ mỉ tài nguyên không gian dưới lòng đất bằng những nỗ lực cụ thể, đồng thời xây dựng quản lý không gian ngầm chất lượng cao.
Theo TS. Nguyễn Công Giang, phát triển và sử dụng hiệu quả không gian ngầm đô thị có thể cải thiện môi trường sinh thái của TP, giảm đáng kể ô nhiễm đô thị, duy trì cảnh quan lịch sử và văn hóa của TP, tăng hiệu quả diện tích cây xanh của TP và mở rộng năng lực của cơ sở hạ tầng ở một mức độ nào đó. Quy hoạch hợp lý không gian ngầm đô thị không chỉ có thể đẩy nhanh quá trình phát triển của TP mà còn nâng cao lợi ích kinh tế và xã hội của TP. Do đó, không gian ngầm đô thị phải được phát triển và tận dụng tốt để TP có thể phát triển nhanh hơn và tốt hơn.